Thứ năm, 16/01/2025 | 00:04 GMT+7

Tìm vốn cho các dự án năng lượng tái tạo

04/06/2013

Việt Nam có tiềm năng về NLTT, Chính phủ cũng đã có những động thái thể hiện rõ việc sẽ có thêm những ưu đãi cho phát triển điện từ các nguồn này

Sáng nay, ngày 4/6/2013, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “APEC về thông lệ tốt trong việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo (NLTT)”. 

Việt Nam luôn được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về các nguồn NLTT, cụ thể, ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết: Tiềm năng NLTT của nước ta khá dồi dào và đa dạng với nguồn sinh khối ở mức khoảng 2.500 MW, thủy điện nhỏ ở mức 7.000 MW, điện gió ở mức 3.000 MW... Tuy nhiên, khả năng khai thác nguồn năng lượng này còn khiêm tốn với khoảng 150 MW sinh khối, 1.100 MW thủy điện nhỏ, 55 MW điện gió đã được khai thác... Nguyên nhân được lý giải là do cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn lực lại hạn chế, đặc biệt là nguồn lực về tài chính, trong khi đó, lĩnh vực NLTT đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn.

d01893f8b_tim_von_cho_cac_du_an_nltt_1.jpg
Quang cảnh hội thảo

Không thể phủ nhận những ưu điểm của NLTT như giúp nguồn cung điện giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống, thân thiện với môi trường... Hai vấn đề đặt ra cho việc phát triển các dự án NLTT là nguồn vốn từ đâu để xây dựng các dự án và khi đã sản xuất ra rồi, việc tiêu thụ sẽ được giải quyết thế nào? 

Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng các dự án NLTT, tính đến nay, chỉ có nhà máy điện gió tại Bạc Liêu tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ thông qua sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam với mức vay 70% tổng vốn của dự án ở giai đoạn 1. Dự kiến, khi bước sang giai đoạn 2, nhà máy này sẽ được vay 85% tổng vốn của dự án. 

Việc tiêu thụ các sản phẩm điện từ nguồn NLTT cũng gặp nhiều khó khăn bởi so với điện được sản xuất từ các nguồn truyền thống giá của điện được sản xuất từ NLTT khá cao. Mặc dù Chính phủ đã đề ra mục tiêu ưu tiên cho các nguồn điện được sản xuất từ NLTT, song đến nay, chỉ có điện gió được hỗ trợ giá mua với mức 7,8 cent/kWh (trong đó 6,8 cent là giá do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trả, 1 cent còn lại được Nhà nước trợ giá). Chính vì việc chưa có cơ chế để khuyến khích sản xuất điện từ các nguồn này nên các nhà đầu tư vẫn còn e dè với việc đầu tư cho điện từ NLTT. 

ff3a8db6d_tim_von_cho_cac_du_an_nltt_2.jpg
Cần nhiều hỗ trợ để kêu gọi vốn cho các dự án NLTT

Chia sẻ kinh nghiệm cho việc tìm vốn cho các dự án NLTT, Tiến sỹ Cary Bloyd – Chuyên viên Khoa học cao cấp – Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) cho biết: Kinh nghiệm của các nước phát triển mạnh về các nguồn NLTT cho thấy, điều quan trọng là Chính phủ và DN phải làm việc với các Ngân hàng để cho họ thấy những hiệu quả rõ nét của các dự án NLTT, từ đó thúc đẩy việc cho vay vốn. Bên cạnh đó, các dự án NLTT sẽ mang lại một lượng việc làm đáng kể cho địa phương đặt dự án. Đây là điều hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ, chính quyền địa phương nơi đặt dự án cần những hỗ trợ đặc biệt cho các dự án này như miễn giảm thuế; miễn giảm tiền thuê đất... Ngoài ra, NLTT còn có đặc trưng là không phân bố đồng đều trong các vùng, miền, địa phương khác nhau nên cần có sự trao đổi, hỗ trợ, liên kết để cùng phát triển điện từ các nguồn này.

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết thêm: Việt Nam có tiềm năng về NLTT, Chính phủ cũng đã có những động thái thể hiện rõ việc sẽ có thêm những ưu đãi cho phát triển điện từ các nguồn này, tuy nhiên, thời gian tới, cần những chính sách đủ mạnh, cần mức giá đủ hấp dẫn để có thể thu hút các nhà đầu tư vào các dự án này.

Bà Phạm Quỳnh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên – Bộ Công Thương cho biết thêm: Phát triển NLTT là một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, do là lĩnh vực mới, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn... Việt Nam cần những sự hỗ trợ của các nước cùng trong cộng đồng APEC về kinh nghiệm để thu hút vốn phát triển các dự án này. 

Trong khi nhu cầu năng lượng trên thế giới ngày càng gia tăng, NLTT ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm năng đã có, những ưu điểm của nguồn năng lượng này cũng đã được chứng minh, thời gian tới, bài toán về vốn cho NLTT tại Việt Nam cần được giải quyết để đưa nguồn năng lượng phát triển mạnh hơn nữa. 

Bảo Anh