Thứ bảy, 23/11/2024 | 10:08 GMT+7

Tiết kiệm điện cần cả xã hội vào cuộc

01/06/2013

Ngành năng lượng Việt Nam thiếu một quy hoạch tổng thể Hệ thống năng lượng quốc gia

Hoạt động tiết kiệm điện hiện nay có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức đòi hỏi không những sự quyết tâm, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ ngành mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

eec6f2a6f_download_4.jpg

Ngành năng lượng Việt Nam thiếu một quy hoạch tổng thể Hệ thống năng lượng quốc gia

Đó là ý kiến mà TS. Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết tại Diễn đàn Năng lượng và Dầu khí. Theo đó, ngành năng lượng càng lớn  mạnh, hệ thống năng lượng càng phức tạp, đa dạng. Quá trình phát triển đang đòi hỏi tính cân đối, thống nhất và hiệu quả cao hơn; trên thực tế nhiều năm qua đã thể hiện không ít bất cập.

Trong quá trình phát triển cho tới nay, chúng ta đã xây dựng các quy hoạch, chiến lược: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (7 lần), Quy hoạch phát triển ngành than (5 lần), Quy hoạch phát triển dầu, khí (3 lần), Quy hoạch phát triển năng lượng mới và tái tạo (dự thảo lần 1) và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (lần đầu tiên được phê duyệt vào ngày 27 tháng 12 năm 2007). Bên cạnh nhiều đóng góp của các Quy hoạch và Chiến lược nêu trên đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như góp phần định hướng quan trọng cho các phân ngành năng lượng; cơ sở để lập kế hoạch phát triển các công trình năng lượng phục vụ phát triển kinh tế quốc dân; xây dựng và hoàn thiện dần các bộ tư liệu, số liệu phục vụ tính toán kế hoạch và quản lý nhà nước về năng lượng… thì vẫn còn một số nhược điểm và bất cập: Các quy hoạch phân ngành: Điện, Than, Dầu-khí, Năng lượng mới và tái tạo được xây dựng riêng rẽ (khi chưa có Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia), vì vậy đã thể hiện sự thiếu đồng bộ và tính thống nhất chưa cao; Tư liệu, số liệu phục vụ Quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy, thiếu thẩm định; Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn quy hoạch.

Bên cạnh đó, giá cả của các loại nhiên liệu – năng lượng là đầu vào, đầu ra của nhau nhưng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý; điển hình giá than nội địa tính cho các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chạy  than trong Quy hoạch phát triển điện lực không phản ánh thực sự đầy đủ thành phần chi phí nhiên liệu trong giá thành sản xuất điện; Phương pháp tính toán xây dựng quy hoạch chưa hợp lý, thể hiện ở hai khía cạnh chính: (i) xây dựng riêng lẻ thiếu tính hệ thống, (ii) trong từng phân ngành năng lượng tuy có sử dụng một số phương pháp và công cụ hiện đại, nhưng chưa đồng bộ, chưa thật hợp lý (như Quy hoạch điện), một số phân ngành khác chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công truyền thống.

Theo VEA, thời gian Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực hợp lý là phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển các phân ngành năng lượng sơ cấp như than, dầu khí và quy hoạch phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo vì như vậy sẽ đảm bảo được độ tin cậy; đồng thời phải tổ chức xây dựng đồng bộ là 10 năm giống nhau có định hướng cho 10 năm tiếp theo.

Kết quả tiết kiệm điện và một số kiến nghị trong thời gian tới

Những năm qua, chương trình tiết kiệm điện ở nước ta được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai Chỉ thị tiết kiệm điện của Thủ tướng Chính phủ thông qua việc ban hành các Chỉ thị về tăng cường thực hiện tiết kiệm trong sử dụng điện, thành lập các Ban chỉ đạo thực hiện tiết kiệm điện và Ban Chỉ đạo điều hành cung ứng điện tại địa phương. Vai trò các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng của một số tỉnh, thành phố đã bước đầu phát huy tác dụng thông qua hoạt động tư vấn cho khách hàng về kiến thức sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn sử dụng điện tiết kiệm cũng được đẩy mạnh với việc xây dựng và vận hành ổn định trang thông tin của CTMTQG  về  SDNLTK&HQ của  Bộ  Công Thương (www.vneec.gov.vn)  và trang thông tin về Tiết kiệm năng lượng (www.tietkiemnangluong.vn) của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam cùng với nhiều chương trình tuyên truyền khác thông qua các kênh thông tin phát thanh, truyền hình, các trang tin, báo với chuyên mục về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện (từ trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước). Sự kiện Giờ trái đất được thực hiện trong nhiều năm (từ năm 2009 - 2013) đã giúp cả nước tiết kiệm được một nguồn điện năng đáng kể, quan trọng hơn là đã tạo được sự lan tỏa và chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hành động tiết kiệm năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu của toàn xã hội.

f241ccd8f_toan_dan.jpg

Bám sát mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ trong CTMTQG về SDNLTK&HQ giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đề ra nhiều mục tiêu, kế hoạch cụ thể hàng năm về công tác tiết kiệm điện. Các chương trình về hoạt động tiết kiệm được EVN chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện, mang lại nhiều lợi ích cho ngành và  cho  toàn  xã  hội,  đóng  góp  một  phần  vào  hoàn  thành  CTMTQG  về SDNLTK&HQ. Một số kết quả nổi bật trong công tác tiết kiệm điện của EVN, có thể kể tới như:

Đã bán được 5 triệu đèn tiết kiệm điện - compact (từ năm 2005 - 2010) với giá bằng 50% so với giá thị trường. Chương trình đã tạo một cú huých lớn nhằm thay đổi nhận thức của người dân, tổ chức thay thế bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang, v.v…(sử dụng nhiều điện nhưng hiệu suất thấp) bằng đèn compact (hiệu suất cao nhưng tiết kiệm điện) và thúc đẩy thị trường đèn compact  phát triển ở Việt Nam.

Tham gia Chương trình hỗ trợ lắp đặt bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời (NLMT) trong Chương trình MTQG về SDNLTK&HQ của Bộ Công Thương, EVN đã hỗ trợ chương trình từ năm 2010 - 2012 với số lượng 60.000 bình (chi phí hỗ trợ mỗi bình là 1triệu đồng/bình). Sự tham gia của EVN đã góp phần tích cực để kích cầu cho thị trường bình nước nóng sử dụng NLMT ở Việt Nam, ngày càng có nhiều người dân, tổ chức sử dụng sản phẩm này để thay thế bình đun nước nóng bằng điện.

Đã đề ra nhiều biện pháp tích cực và quyết liệt về quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh, kết hợp với đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm tổn thất điện năng (đặc biệt là hệ thống lưới điện nông thôn). EVN đã giảm tổn thất của hệ thống từ 12,23% xuống còn trên 9% (năm 2009), tới năm 2012 giảm xuống còn 8,8%. Trong 7 năm (2006 - 2012) tổng lượng điện tiết kiệm điện của toàn quốc đạt được 8 tỷ kWh, số tiền tiết kiệm được hàng năm là hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài các kết quả trên, EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các  cơ quan chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương nhằm triển khai các chương trình tuyên truyền về tiết kiệm điện. Nhiều chương trình phong phú như: phát động nhiều cuộc thi về “sáng kiến tiết kiệm điện”, ''gia đình tiết kiệm điện", "tuyến phố tiết kiệm điện'', ''sự kiện giờ trái đất'', v.v...với sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo của người dân và doanh nghiệp.

Có được những kết quả như trên, ngoài sự nỗ lực và sự quyết tâm của EVN và các đơn vị thành  viên, EVN đã nhận được nhiều sự chỉ đạo, hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố và các tổ chức Đoàn thể Chính trị và xã hội trong cả nước.

Để làm tốt hơn nữa công cuộc tiết kiệm điện, theo Th.S Trần Viết Nguyên, Phó trưởng ban Kinh doanh – EVN, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với các quy định, hướng dẫn  nhằm nâng cao ý thức của toàn dân, và tổ chức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành như xây dựng, giao thông vận tải, v.v...

Nghiên cứu, xây dựng chính sách, giải pháp thích hợp cho chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu phải thay thế các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Áp dụng các biện pháp khuyến khích và bắt buộc đổi mới công nghệ, thiết bị của các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng, hóa chất...; cấm nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ phục vụ sản xuất có hiệu suất thấp và tiêu tốn nhiều điện năng…

Theo Thanh tra