Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:08 GMT+7

Đầu tư vào năng lượng tái tạo: Cần một cú hích mạnh

01/04/2013

Tuy được đánh giá là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, không những có thể đóng góp cho sản xuất điện năng mà còn góp phần làm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tuy được đánh giá là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, không những có thể đóng góp cho sản xuất điện năng mà còn góp phần làm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng, cho đến nay cơ chế pháp lý hỗ trợ còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện, khiến việc mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo đang gặp nhiều hạn chế.

5b72fdbb0_diengio.jpg

Việt Nam cần khai thác triệt để tiềm năng về năng lượng tái tạo.

Tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế năng động, nhu cầu năng lượng của Việt nam tới năm 2020 sẽ gấp ba lần so với thời điểm hiện tại.

Hiện nay, 64% lượng điện năng tại Việt Nam được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hoá thạch khiến các chuyên gia năng lượng dự báo rằng phát thải khí CO2 của Việt Nam từ sản xuất điện năng trong những năm tới sẽ tăng gấp bốn lần. Nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn cho năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bao gồm cả các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, Việt Nam có nhiều tiềm năng về các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, sinh khối, khí sinh học, cũng như năng lượng mặt trời và thuỷ điện.

Là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt 4 đến 5kWh/m2 mỗi ngày, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời.

Trong đó, hiệu quả nhất là sử dụng năng lượng mặt trời vào đun nước nóng. Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có năng lượng mặt trời) và còn lại 75% vẫn chưa được khai thác.

Với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua đã khiến cho nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm. Tuy nhiên, lĩnh vực điện năng đang chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện.

Thiếu hụt nguồn cung cấp điện của Việt Nam cũng đang gia tăng, đặc biệt là vào mùa khô do sự phụ thuộc quá lớn vào thủy điện. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm …

Tiềm năng điện mặt trời tốt nhất ở các vùng Thừa Thiên Huế trở vào Nam và vùng Tây Bắc. Vùng Tây Bắc gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai…. và vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…. có năng lượng mặt trời khá lớn. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 300 đến 500 cal/cm2.ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 1800 đến 2100 giờ.

Như vậy, các tỉnh thành ở miền Bắc nước ta đều có thể sử dụng hiệu quả . Tuy nhiên, do có sự bức xạ mặt trời nhiều hơn mùa đông nên mùa hè sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời đạt hiệu quả cao hơn.

Còn ở miền Nam, từ Đà Nẵng trở vào, năng lượng mặt trời rất tốt và phân bố tương đối điều hòa trong suốt cả năm. Trừ những ngày có mưa rào, có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng dùng cho sinh hoạt. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2000 đến 2600 giờ. Đây là khu vực ứng dụng năng lượng mặt trời rất hiệu quả.

Tuy nhiên, cả nước mới có khoảng 60 hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời tập thể và trên 5000 hệ thống cho gia đình đã được lắp đặt. Trong đó, khoảng 95% được lắp đặt sử dụng ở khu vực thành thị, 5% đươc sử dụng ở các huyện lỵ hoặc một số hộ nông thôn .

Đối tượng lắp đặt và sử dụng chủ yếu là các hộ gia đình chiếm khoảng 99%, 1% cho các đối tượng khác như: nhà trẻ, trường mẫu giáo,bệnh xá, khách sạn, trường học, nhà hàng,…..

Hệ thống tập thể thường có diện tích từ 10 đến 60 m2 có thể sản xuất từ 1 đến 5 m3 nước có nhiệt độ trong khoảng 50 đến 70°c hàng ngày. Các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho gia đình có nhiều loại, diện tích từ 1 đến 3 m2 có thể cung cấp 100 – 300 lít nước nóng có nhiệt độ từ 40°c đến 70°. Nhiều gia đình ở nước ta, nhất là các tỉnh phía Nam có điều kiện ánh sáng mặt trời ổn định, bắt đầu làm quen với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong việc đun nấu trong nhà, đun bình nước nóng nhà tắm.

Cần những cú hích đủ mạnh

Một thông tin đáng mừng đối với việc thúc đẩy thu hút đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo của nước ta là việc Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) vừa mới công bố  tập bản đồ về năng lượng tái tạo đầu tiên trên thế giới.

Mọi thông tin chi tiết về năng lượng tái tạo của các quốc gia sẽ được cập nhật đầy đủ trên cổng thông tin mở tại địa chỉ truy cập: http://www.irena.org/GlobalAtlas/

Theo đó, tập bản đồ này sẽ cung cấp những thông tin mở về tiềm năng năng lượng tái tạo của các quốc gia tham gia. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam giới thiệu với các nhà đầu tư quốc tế về tiềm năng vô tận của mình trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Năm 2011, IRENA được thành lập bởi 159 quốc gia và Liên minh châu Âu nhằm thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các hội nghị của Cơ quan này đang diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Bền vững Abu Dhabi (Abu Dhabi Sustainability Week) trong đó có Hội nghị thượng đỉnh về Năng lượng tương lai và Hội nghị Năng lượng tái tạo quốc tế.

Thông tin từ IRENA cho biết: “Tập bản đồ thế giới này là sáng kiến lớn giúp các quốc gia đánh giá được tiềm năng năng lượng tái tạo của mình, kết hợp dữ liệu và các bản đồ từ những viện công nghệ hàng đầu và các công ty tư nhân trên toàn thế giới”.

Cơ quan này cũng sẽ giới thiệu về tấm bản đồ khi tổ chức hội nghị hàng năm ở Abu Dhabi. IRENA cho biết: “Hiện tấm bản đồ có thông tin về các nguồn năng lượng gió và mặt trời, và sẽ mở rộng sang các nguồn năng lượng khác vào năm 2013 và 2014”. Cũng theo đánh giá của IRENA, tấm bản đồ cũng sẽ giúp các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới.

Dẫn lời ông Martin Lidegaard, Bộ trưởng bộ Năng lượng và Khí hậu của Đan Mạch phát biểu tại buổi lễ công bố tấm bản đồ (nguồn AFP): “Trong thập kỷ tới, chúng tôi hi vọng sẽ có một sự tăng lên đáng kể về đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tấm bản đồ thế giới này sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn.”

Bên cạnh đó, giám đốc IRENA, ông Adnan Amin cho biết:  Tới năm 2014, tấm bản đồ sẽ có thông tin về năng lượng sinh học, năng lượng địa nhiệt và năng lượng biển. Ông nói: “Tấm bản đồ thế giới này sẽ là một công cụ hữu ích trong những nỗ lực quốc tế nhằm tăng gấp đôi tỷ lệ năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030 tới mức khoảng 30% tổng năng lượng sử dụng trên toàn cầu”.

Hiện đã có 37 quốc gia đã cung cấp những thông tin về tiềm năng năng lượng tái tạo của mình cho việc xây dựng tấm bản đồ.

Câu hỏi được đặt ra cho các nhà quản lý năng lượng của nước ta là: Làm sao để tạo thêm những cú hích mạnh mẽ hơn nữa cho ngành công nghiệp được coi là quan trọng nhất của cả thế giới trong tương lai?

Đồng thời, cần cải thiện một cách đồng bộ cơ chế pháp lý liên quan đến việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào công nghệ năng lượng tái tạo để có thể đón đầu các cơ hội đến khi kinh tế thế giới có chiều hướng ổn định trở lại.

Theo Điện Đầu Tư