Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:57 GMT+7

Khi nào sử dụng năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu?

27/02/2013

Khi kinh tế đất nước chưa đủ mạnh, Việt Nam sẽ tận dụng năng lượng hóa thạch trong phát triển kinh tế.

Khi kinh tế đất nước chưa đủ mạnh, Việt Nam sẽ tận dụng năng lượng hóa thạch trong phát triển kinh tế.
 
VOV online phỏng vấn ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch-Viện Năng lượng về việc hướng tới sử dụng nguồn năng lượng thích ứng hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
 
PV: Chúng ta đã có kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) chung cho cả nước. Vậy ngành năng lượng đã xây dựng kịch bản BĐKH của ngành như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Cho đến thời điểm này, Bộ Công thương đã đưa ra kịch bản ứng phó với BĐKH của ngành và các hoạt động, nội dung nhiệm vụ đã được xác định. 
 
Tuy nhiên, đối với ngành năng lượng cho đến nay như quy hoạch ngành dầu khí, điện… chưa xét đến yếu tố của BĐKH. Ví dụ như nhiệt độ tăng thì nhu cầu sử dụng năng lượng điện, than cũng gia tăng hay các giàn khoan ở ngoài khơi sẽ bị tác động ra làm sao. BĐKH dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính điều này cũng là nhân tố làm gián đoạn của nguồn cung, khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng của một nền kinh tế.
 
 9af970b20_img_0551.jpg

Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch-Viện Năng lượng
 
Hiện chúng ta đang quy hoạch vấn đề năng lượng cho giai đoạn 2015. Những nghiên cứu trong giai đoạn này sẽ bổ trợ đưa các yếu tố BĐKH vào quy hoạch ngành năng lượng. Từ đấy chúng ta sẽ thấy được bài toán về chi phí của hệ thống năng lượng trong ứng phó với BĐKH.

PV: Trong quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu đang xây dựng, ngành năng lượng tập trung vào nguồn năng lượng nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Theo hướng thích ứng với BĐKH nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, vấn đề xem xét đầu tiên là đang dạng hóa các nguồn cung cấp, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như: Mặt trời, năng lượng gió, sinh học, hay phế thải của nông nghiệp để sản xuất điện. Thị phần và cơ cấu của các lĩnh vực này sẽ được đẩy mạnh. 
 
Bộ Công thương đang thiết lập cơ chế hỗ trợ để nhằm khai thác năng lượng gió trong phát triển. Hiện chúng ta chỉ có một số ít năng lượng gió thôi nhưng đến năm 2030 tỉ trọng năng lượng gió sẽ tăng lên rất nhiều. 
 
Vừa rồi Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng Xanh của Việt Nam nhằm xem xét không những nguồn cung dồi dào, đa dạng phải sử dụng hiệu quả. Tôi biết hiện nay một số ngành đang tính toán xem xét việc giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong mỗi sản phẩm bằng cách tiếp cận cách công nghệ hiện đại và từng bước loại thải và cấm nhập khẩu các công nghệ lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng.
 
PV: Chúng ta đang hướng tới Chiến lược phát triển kinh tế xanh, nhưng thực tế hiện nay tại nhiều địa phương đang tận dụng, khai thác các nguồn năng lượng không có lợi cho môi trường. Phải chăng chúng ta đang đi ngược lại với quy trình, chủ trương?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Chúng ta đang hô hào nguồn năng lượng tái tạo mà chúng ta có tiềm năng, nhưng thực tế nguồn năng lượng này, chúng ta mới khai thác được rất ít. Nguồn năng lượng chúng ta đang sử dụng chủ yếu vẫn dựa vào nguồn năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chia giai đoạn, khi nước ta còn nghèo thì cần tận dụng nguồn năng lượng hóa thạch có sẵn. Khi nền kinh tế đủ mạnh, chúng ta sẽ tiến tới khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Lộ trình khai thác nguồn năng lượng sạch có thể đến năm 2015.
 
PV: Một chuyên gia người Mỹ mới đây có phân tích rằng, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng thích ứng với BĐKH. Ông đánh giá thế nào về phân tích này cũng như thực tiễn sẽ ứng dụng năng lượng hạt nhân ở Việt Nam?
 
Ông Nguyễn Đức Cường: Năng lượng hạt nhân được thế giới đánh giá là một nguồn năng lượng có hệ phát thải carbon thấp. Đó cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Đối với quan điểm sử dụng nguồn năng lượng này trên thế giới hiện nay có hai trường phái. Một trường phái cho rằng đây là phương pháp tối ưu để đa dạng hóa nguồn cung cũng như hạn chế sử dụng nguồn năng lượng carbon thấp. Chẳng hạn điện hạt nhân được nhiều tổ chức quốc tế lựa chọn nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Khi khí nhà kính được giảm thì BĐKH được khống chế.
 
Tuy nhiên còn một trường phái tính tới việc sử dụng nguồn năng lượng này ở mức an toàn. Đây là vấn đề nổi lên hàng đầu sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Ở Việt Nam chúng ta cũng như vậy thôi.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV Online