Thứ sáu, 27/12/2024 | 00:52 GMT+7

Chiến lược năng lượng xanh của Arập Xêút

25/01/2013

Theo như dự báo về tình hình năng lượng của Arập Xêút trong 20 năm tới, nhu cầu về năng lượng sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

Arập Xêút là một trong các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trên thế giới. Nước này hiện đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, bao gồm cả năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt. Arập Xêút cũng dự kiến sẽ xây dựng khoảng 16 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030.

Theo như dự báo về tình hình năng lượng của Arập Xêút trong 20 năm tới, nhu cầu về năng lượng sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay.

7fe28c609_saudi1.jpg

Hiện tại, khoảng một nửa nhu cầu về năng lượng của Arập Xêút được đáp ứng dựa vào nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, và một nửa còn lại là nhờ vào các nguồn năng lượng khác như dầu mỏ, khí đốt. Tiến sỹ Walid Abu Faraj, Phó Chủ tịch Viện Năng lượng Nguyên tử và Tái tạo Arập Xêút cho biết nước này đang cố gắng tăng cường mức độ phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng địa nhiệt.

Xuất khẩu năng lượng cũng là một vấn đề quan trọng của Arập Xêút. Mức năng lượng tiêu thụ trong mùa đông ở Arập Xêút đã giảm xuống còn khoảng một nửa so với mùa hè. Do vậy, số năng lượng thặng dư có thể được xuất khẩu sang các nước láng giềng, châu Phi và châu Âu thông qua nhiều mạng lưới.

Tại sao Arập Xêút lại đang tìm cách sử dụng năng lượng hạt nhân, trong khi một số nước phát triển thì lại đang cố gắng ngừng khai thác nguồn năng lượng này? Tiến sĩ Faraj cho rằng không ai nói rằng chúng ta nên từ bỏ sử dụng xe hơi chỉ vì vài vụ tai nạn xe hơi. Bản thân năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng toàn cầu. Công nghệ hạt nhân hiện nay đã phát triển khá mạnh trên thế giới. Các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản là thuộc thế hệ thứ 2. Tuy nhiên, các lò phản ứng hạt nhân hiện nay đã bước sang thế hệ thứ 3, sau thế hệ thứ 3 và cả thế hệ thứ 4. Nếu các lò phản ứng này được sử dụng tại Fukushima hoặc ở đâu đó thì kết quả sẽ hoàn toàn khác hẳn.

Arập Xêút đã học hỏi được rất nhiều từ kinh nghiệm, cũng như cách thức xử lý sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Một quốc gia mới bước vào thị trường hạt nhân như Arập Xêút cần phải tận dụng được những bài học này để tạo ra một môi trường sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn.

Một số nhà quan sát cho rằng việc theo đuổi năng lượng hạt nhân của Arập Xêút thể hiện ước muốn của nước này trong việc đạt được sự ảnh hưởng tại vùng Vịnh, đặc biệt là khi mà Iran đang xúc tiến mạnh các chương trình hạt nhân của nước này.

Tiến sĩ Faraj cho biết Arập Xêút chủ trương hòa bình, và luôn tìm kiếm sự hài hòa khi mà nước này đề xuất nhiều khởi xướng nhằm giải thoát cho Trung Đông khỏi tất cả các loại vũ khí hạt nhân. Arập Xêút cũng ký tất cả các hiệp ước quốc tế, được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua, và tuyên bố rõ ràng mục đích sử dụng năng lượng nguyên tử của nước này, đó là cho các mục đích dân sự và hòa bình.

 Le My Theo AFP