Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:32 GMT+7

Ưu đãi đặc biệt cho nhân lực năng lượng nguyên tử

04/01/2013

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử là ngành đặc biệt mà đất nước đang rất cần, vì vậy cần cơ chế, chính sách đặc thù.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử là ngành đặc biệt mà đất nước đang rất cần, vì vậy cần cơ chế, chính sách đặc thù.
 
82a4269ec_hop_bcd.jpg

Cuộc làm việc phiên thứ 4 Ban chỉ đạo đã quyết định một số nội dung quan trọng về đào tạo nhân lực năng lượng nguyên tử.

Ngày 3/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã làm việc phiên thứ 4 với các Bộ, ngành để đôn đốc tiến độ và quyết định một số nội dung quan trọng liên quan đến đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đặc biệt này.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định ưu đãi đối với sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử như: Được miễn hoàn toàn học phí và phí ký túc xá, sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp15 lần học phí/tháng, sinh viên loại khá được học bổng gấp 8 lần học phí/tháng.

Ngoài ra, sinh viên các chuyên ngành năng lượng nguyên tử năm cuối của chương trình đào tạo nếu đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc.

Đối với những người tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành năng lượng nguyên tử có nhiều ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí bằng 30 lần mức lương tối thiểu của cán bộ công chức nếu có công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đề nghị Bộ Tài chính cần “thoáng” hơn khi xây dựng chế độ đãi ngộ, cơ chế học bổng thật sự khuyến khích đặc biệt nhằm thu hút sinh viên theo học ngành điện hạt nhân tại LB Nga.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn tất xây dựng nhu cầu tổng thể về điện hạt nhân trước 31/1/2013 gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch tổng thể về đào tạo nhân lực nguyên tử đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước 31/1/2013.

Bộ Nội vụ tập hợp những kiến nghị về chính sách đối với các đối tượng tham gia đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2013.

Trong tháng 5/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo năng lượng hạt nhân hiện có.

Về kiến nghị mở chuyên ngành đào tạo năng lượng nguyên tử của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cần xem xét trên cơ sở nguồn lực và cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thống nhất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo lo đào tạo nhân lực trình độ đại học và trên đại học ngành năng lượng nguyên tử, còn nhân lực trình độ dưới đại học giao cho EVN.

Bộ Công Thương và EVN và Bộ Xây dựng xem xét các doanh nghiệp trong nước tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Từ nay đến cuối năm 2013, Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ họp để thống nhất chương trình hoạt động giai đoạn 2014-2015.

Theo báo cáo của EVN, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận có 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người). Từ năm 2010, EVN đã chủ động gửi người đi đào tạo tại Nga, Nhật Bản, CH Séc, Pháp và tại Cao đẳng điện lực tại Miền Trung và Miền Nam.

Cụ thể, Nhà máy 1 (hợp tác với Nga) gửi đào tạo nước ngoài 282 người, trong đó đề nghị đào tạo 252 người tại Nga. Nhà máy 2 (hợp tác với Nhật Bản) gửi đào tạo 100 người.

Trang tin điện tử Chính phủ