Nước Nga có kế hoạch cung cấp 45-50% điện hạt nhân cho nhu cầu sử dụng của đất nước vào năm 2050 và tăng lên 70-80% vào cuối thế kỷ này.
Tổ hợp Hoá học Xibêri SCC (Siberian Chemical Combine) ở Seversk, thuộc vùng Tomsk, nước Nga..
Chính phủ nước Nga chủ trương tăng thêm chi phí và đẩy mạnh chương trình phát triển công nghệ hạt nhân mới. Người đứng đầu chính phủ khẳng định tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của chương trình này đối với tương lai đất nước.
Theo WWN, gần đây, đến nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, chủ trì một hội nghị đặc biệt về hiện đại hóa và đổi mới nền kinh tế, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phát biểu ca ngợi vai trò của năng lượng hạt nhân.
Ông nói: Công nghệ hạt nhân là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của Nga, có ứng dụng quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống, như kinh tế, công nghiệp năng lượng, khám phá vũ trụ, hàng không, y tế, nông nghiệp, sản xuất vật liệu…
Tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia ROSATOM đầu tư hàng năm khoảng 23 tỷ RUB (trên dưới 737 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển, trong tổng số 60 tỷ RUB (hay 1,9 tỷ USD) ngân sách quốc gia hàng năm cho các chương trình nghiên cứu phát triển hạt nhân.
Ông Sergei Kiriyenko, người đứng đầu Tập đoàn Rosatom đã phát biểu trong hội nghị rằng số tiền dự kiến cho nghiên cứu và phát triển hàng năm tăng gấp đôi, vào năm 2020 sẽ đạt tới 42 tỷ RUB (hay 1.3 tỷ USD). Số tiền này gấp khoảng mười lần số tiền đầu tư vào năm 2007, thời điểm mà đất nước bắt đầu củng cố các hoạt động hạt nhân của mình ở tập đoàn ROSATOM.
Một chương trình mang tính chiến lược quốc gia đang được đưa ra cho thập kỷ tới. Ông Kiriyenko cho biết, chương trình mục tiêu liên bang đến năm 2020 đang dự định sẽ chứng minh cho vai trò của công nghệ lò phản ứng nhanh và cơ sở hạ tầng chu trình nhiên liệu liên quan, nó sẽ có thể đưa vào sử dụng vào năm 2030.
Hai tháng trước, ROSATOM đã xác nhận kế hoạch lắp đặt lò phản ứng nhanh thử nghiệm BREST-300 làm mát bằng chì tại Tổ hợp Hoá học Xibêri SCC (Siberian Chemical Combine) ở Seversk, thuộc vùng Tomsk. Việc xây dựng lò phản ứng 300 MWe này sẽ được bắt đầu vào năm 2016, do đó nó sẽ có thể phát điện vào năm 2020. Đây sẽ là nguyên mẫu đầu tiên của một loạt các phiên bản lò phản ứng công suất 1200 MWe trên toàn quốc.
Tổ hợp SCC đang sở hữu một nhà máy làm giàu uranium với công suất cao, có khả năng xử lý uranium thu hồi từ quá trình tái chế và một nhà máy sử dụng nhiên liệu MOX. Đồng thời, một nhà máy chuyển đổi uranium cũng đang được xây dựng và lên kế hoạch vận hành sau năm 2016 nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của Nga.
Khi đề cập đến Tổ hợp SCC này, ông Kiriyenko nói: “Chúng tôi sẽ tập trung mọi thứ tại địa điểm này”. Ông cho biết thêm rằng, ROSATOM sẽ sớm yêu cầu chính phủ tài trợ để nó có thể tạo dựng một “chu trình nhiên liệu hạt nhân” thử nghiệm khép kín tại SCC.
Chiến lược dài hạn của ROSATOM đến năm 2050 liên quan đến việc chuyển hướng sang thế hệ các nhà máy điện hạt nhân mới an toàn cao với sử dụng lò phản ứng nhanh, chu trình nhiên liệu khép kín và nhiên liệu MOX.
Chương trình mục tiêu liên bang của quốc gia này dự kiến sẽ cung cấp 45-50% năng lượng hạt nhân cho nhu cầu sử dụng của đất nước vào năm 2050 và tăng lên 70-80% vào cuối thế kỷ này.
Theo VietNamNet
http://www.icon.evn.com.vn/vn-s83-111208-632/Tham-vong-lon-cua-Nga-ve-dien-hat-nhan.aspx