Thứ sáu, 22/11/2024 | 22:34 GMT+7

Úc và Mỹ đầu tư 83 triệu USD nghiên cứu năng lượng Mặt trời

20/12/2012

Chính phủ Úc vừa thông báo về chương trình nghiên cứu năng lượng Mặt trời hợp tác với Mỹ trị giá 83 triệu USD, hướng tới phát triển công nghệ để giảm chi phí cho nguồn năng lượng sạch dồi dào này.

Chính phủ Úc vừa thông báo về chương trình nghiên cứu năng lượng Mặt trời hợp tác với Mỹ trị giá 83 triệu USD, hướng tới phát triển công nghệ để giảm chi phí cho nguồn năng lượng sạch dồi dào này.
de7f25ebd_solar_panel.jpg

Mục tiêu của chương trình là phát triển công nghệ mới nhằm giảm chi phí cho năng lượng Mặt trời.

Dự án kéo dài 8 năm sẽ có sự tham gia của 6 trường đại học Úc, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp Khoa học Liên bang Úc (CSIRO) và Bộ Năng lượng Mỹ.
Bộ trưởng Năng lượng Úc Martin Ferguson đánh giá đây là khoản đầu tư nghiên cứu năng lượng Mặt trời lớn nhất trong lịch sử Úc.

Theo ông Ferguson, khoản đầu tư sẽ được sử dụng để thành lập hai trung tâm nghiên cứu chiến lược. Thứ nhất là Viện Nghiên cứu Nguyên liệu Quang điện tiên tiến hợp tác Mỹ - Úc trị giá 35 triệu USD và thứ hai là Viện Nghiên cứu Nhiệt Úc với khoản đầu tư 35 triệu USD. Hai cơ sở này sẽ thúc đẩy việc phát triển công nghệ năng lượng Mặt trời nhanh chóng hơn so với việc nếu hai nước nghiên cứu riêng rẽ.

Giám đốc Viện Nghiên cứu Nguyên liệu Quang điện tiên tiến Hợp tác Mỹ-Úc, Martin Green, cho biết Úc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển nguyên liệu quang điện, chất lượng tốt hơn và chi phí thấp hơn. Nguyên liệu quang điện là công nghệ sử dụng trong hầu hết các loại pin Mặt trời.

“Úc là nước cung cấp công nghệ giúp hạ nhiều nhất giá thành năng lượng Mặt trời trong 4 năm qua. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cách nâng hiệu quả nguyên liệu quang điện lên tới khoảng 40%”- Martin Green ông nói.

Úc là nước cung cấp công nghệ giúp hạ nhiều nhất giá thành năng lượng Mặt trời trong 4 năm qua.

Dự án cũng sẽ nghiên cứu năng lượng nhiệt - Mặt trời, nghĩa là sử dụng gương tập trung tia mặt trời để đun nước cho các turbine điện.

Giám đốc Trung tâm Năng lượng Mặt trời Quốc gia thuộc CSIRO, ông Wes Stein, cho rằng nghiên cứu của Úc tạo ra phương pháp lưu trữ năng lượng nhiệt Mặt trời hiệu quả hơn và các công nghệ quy mô nhỏ hơn. Thành quả này sẽ đẩy chi phí hạ thấp hơn.

“Có thể hi vọng năng lượng nhiệt – Mặt trời sẽ là dạng năng lượng sạch giá thành rẻ nhất thế giới trong khoảng 10 năm tới”- ông Stein nhận định.

Tuy nhiên, ông Matthew Wright, giám Đốc điều hành tổ chức Beyond Zero Emissions, cho rằng dự án cần hướng tới các ứng dụng thực tế để cạnh tranh với các nước dẫn đầu về năng lượng sạch khác, trong đó có Trung Quốc.

“Mặc dù chúng ta có nhiều nhà khoa học bận rộn trong phòng thí nghiệm, Trung Quốc cũng có những nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm được hậu thuận bởi các công ty thương mại. Đó là cách để thúc đẩy một ngành công nghiệp và tạo ra một khu vực năng lượng có thể tái tạo”- ông Wright nói.

Đại sứ Mỹ tại Úc, Jeffrey Bleich hoan nghênh chương trình hợp tác nghiên cứu giữa hai nước Mỹ-Úc. Ông nói: “Hai nước nhìn nhận thế giới cũng như những thách thức trong khu vực này giống nhau”.

Theo  Petrotimes