Thứ sáu, 27/12/2024 | 01:59 GMT+7

Thuế năng lượng xanh của Canada không công bằng

29/11/2012

Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc các sản phẩm của họ bị phân biệt đối xử tại tỉnh Ontario, Canada.

Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc các sản phẩm của họ bị phân biệt đối xử tại tỉnh Ontario, Canada.

Theo Luật năng lượng Xanh, các dự án năng lượng gió có công suất trên 10 kW và tất cả các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh Ontario trong giai đoạn 2009-2011 phải sử dụng ít nhất 25% các loại hàng hóa và dịch vụ do các công ty có trụ sở tại tỉnh này sản xuất, trong khi các dự án tương tự từ năm 2012 trở đi phải sử dụng ít nhất 50% các loại hàng hóa và dịch vụ của Ontario.

b62f09f3c_avataraspx.jpg

Nhật Bản và EU cho rằng với quy định như vậy các tấm pin năng lượng Mặt Trời sử dụng công nghệ tiên tiến và các thiết bị sản xuất năng lượng từ năng lượng tái tạo khác của họ đã bị “phân biệt đối xử” tại tỉnh Ontario chỉ vì xuất xứ và cáo buộc các loại thuế như vậy là không công bằng, cản trở thương mại tự do.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), kim ngạch xuất khẩu các thiết bị phát điện gió và điện Mặt Trời của EU sang Canada là khá lớn, trong khoảng 384-768 triệu USD trong các năm 2007-2009.

Mặc dù WTO vẫn chưa công bố phán quyết một cách công khai, nhưng các báo cáo ngày 19/11 của tổ chức này nhấn mạnh “các bên liên quan được thông báo là WTO quyết định đứng về phía những bên khiếu nại”.

Hai tổ chức công đoàn lớn nhất Canada là Liên đoàn công nhân ngành ôtô Canada (CAW) và Công đoàn ngành giao thông, năng lượng và giấy Canada (CEP) đã ra một tuyên bố chung, chỉ trích phán quyết trên của WTO.

Chủ tịch CAW Ken Lewenza nói: “Các cấp chính quyền tại Canada phải có khả năng khuyến khích sản xuất trong nước thông qua các chính sách thu mua. Quyết định của WTO nhằm phá hủy những chính sách tạo việc làm đầy sáng tạo, rất cần thiết để đưa kinh tế Canada trở lại đúng hướng và chuẩn bị cho tương lai.”

Phán quyết trên của WTO là không ràng buộc, có nghĩa là tỉnh Ontario có thể phớt lờ và không phải chịu khoản tiền phạt nào. Nhưng một hành động như vậy có thể khiến Nhật Bản và EU đưa ra các loại thuế trả đũa đối với bất kỳ loại hàng hóa nào được sản xuất tại tỉnh Ontario, trong bối cảnh chính phủ Canada đang cố gắng hoàn tất một hiệp định thương mại tự do toàn diện với EU.

Về phần mình, chính quyền tỉnh Ontario tỏ ra “ngoại giao hơn” khi tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục thăm dò mọi phương án để duy trì việc làm và những khoản đầu tư cho tương lai của tỉnh Ontario, kể cả hợp tác với chính phủ liên bang hướng tới việc chống án. Quan điểm của Ontario về vấn đề này là khoản thuế trên là phù hợp với những nghĩa vụ trong WTO của Canada.”

Vụ khiếu kiện trên đang được coi là một thử nghiệm cho nhiều nỗ lực khác của các chính quyền địa phương tại Canada nhằm hỗ trợ các công ty chế tạo trong nước trong một nỗ lực thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo.

Theo Vietnam+