Ngày nay, khi thế giới đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt dần nguồn nguyên liệu hóa thạch, năng lượng tái tạo nổi lên như một nguồn năng lượng thay thế tất yếu. Năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển như Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi thế và lợi ích của các nguồn năng lượng tái tạo trước nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng phục vụ phát triển kinh tế (với sự gia tăng tiêu thụ điện hàng năm từ 10-15%), gần đây Chính phủ Việt Nam đã xem xét việc nghiên cứu, khảo sát, khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
Phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo đã được đưa vào trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007). Cụ thể, chiến lược đề ra mục tiêu tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại sơ cấp từ 3% năm 2010 lên 5% năm 2020 và 11% năm 2050. Để đạt được những mục tiêu đó, Quyết định 1855 cũng tổ chức hướng dẫn và có các chính sách, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư.
Các thuận lợi của nhà đầu tư
Theo pháp luật hiện hành, các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi tối đa cho tất cả các vấn đề liên quan đến các dự án năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, chẳng hạn như miễn thuế thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu, giải phóng mặt bằng, và trích khấu hao tài sản cố định.... (theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Ngoài ra, các dự án năng lượng mặt trời và gió được xem là dự án theo cơ chế phát triển sạch (Quyết định 130/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007). Theo đó, nhà đầu tư được trợ cấp từ Nhà nước thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho sự chênh lệch giữa chi phí thực tế đầu vào và giá bán điện theo thoả thuận trong hợp đồng để cung cấp năng lượng được tạo ra bởi năng lượng mặt trời hay năng lượng gió (theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ).
Và những thách thức
Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng nhà đầu tư cũng phải đối mặt với một số thách thức khi đầu tư vào các loại dự án trên. Thứ nhất, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã chưa chính thức thực hiện bất kỳ một cuộc điều tra toàn diện, nghiên cứu, hoặc đánh giá về tiềm năng của năng lượng mặt trời hay năng lượng gió tại Việt Nam. Như vậy, nhà đầu tư tiềm năng thiếu những thông tin cần thiết khi tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam không có một khuôn khổ pháp lý gắn kết các chính sách liên quan các dự án năng lượng mặt trời hay năng lượng gió; chưa có qui hoạch và chính sách minh bạch, rõ ràng, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chưa có văn bản quy phạm pháp luật về khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời, điện gió nói riêng. Để vượt qua những khó khăn này, trong một cuộc họp gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu và giao Bộ Công Thương nhanh chóng soạn thảo một dự thảo về chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo đang chờ Thủ tướng phê duyệt.
Thứ ba, và quan trọng nhất, Việt Nam chưa có một cơ chế hiệu quả và khả thi cho các nhà đầu tư có liên quan đến giá bán điện năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Hiện nay, giá bán điện tại Việt Nam luôn luôn là trở ngại cao nhất cho các nhà đầu tư vì luôn quá thấp so với các nước trong khu vực. Trong thực tế, giá mua bán điện của EVN luôn luôn thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế đầu vào của năng lượng tái tạo. Theo quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011, EVN sẽ phải trả 1.614 đồng (khoảng 0,078 USD) cho mỗi kilowatt điện gió được tạo ra, và Nhà nước sẽ trợ cấp một khoản 207 đồng (xấp xỉ 0,01 USD) thông qua Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, khoản trợ cấp là chưa đủ, thêm vào đó là hạn chế từ việc Quỹ bảo vệ môi trường chỉ có nguồn thu từ lệ phí bán chứng chỉ CERs. Do vậy, các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng khi đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) thì tiềm năng sản xuất điện gió của Việt Nam lên đến 513.360 MW/năm. Các nhà khoa học cũng khẳng định, Việt Nam có khoảng 17.400 hecta thích hợp cho các dự án, công trình phát triển năng lượng gió.
Dựa trên mức tiêu thụ năng lượng dự kiến, Việt Nam sẽ cần phải đảm bảo nguồn năng lượng mới để duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhà nước đã đưa ra tín hiệu tích cực cam kết cho sự phát triển năng lượng gió và mặt trời trong thời gian dài. Những tín hiệu này được thể hiện bằng việc thực hiện một loạt các ưu đãi và định hướng kế hoạch cụ thể hơn cho phát triển năng lượng tái tạo trong những năm tới. Khi khung pháp lý này được phát triển và hoàn thiện, các dự án năng lượng mặt trời và gió có thể trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư năng lượng nước ngoài tại Việt Nam.
Theo Cpc