Bộ Tài chính và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) vừa ký hợp đồng tín dụng trị giá 150 triệu EUR cho mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, khoản tiền trên sẽ được cung cấp cho các dự án đầu tư, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thông qua việc tránh hoặc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng.
Hệ thống năng lượng gió, mặt trời trên đảo Trường Sa.
Khoản vay này sẽ được cung cấp thông qua Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ Việt Nam cho 4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối để cho vay các dự án có mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu quy mô nhỏ.
4 ngân hàng nhà nước nắm cổ phần chi phối, nằm trong số các ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam, có khả năng cấp vốn và quản lý các dự án đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp.
Các ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phát triển (Agribank) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Theo Phó Chủ tịch Álvarez, người phụ trách các hoạt động của EIB ở châu Á, "EIB, với tư cách là Ngân hàng của EU, cam kết mạnh mẽ đối với hành động vì biến đổi khí hậu và coi đó là một trong những ưu tiên toàn cầu của EU".
Theo Bộ Tài chính, đây là khoản vay thứ hai theo loại hình này ở Việt Nam. Khoản đầu tiên là Hiệp định vay khung về tín dụng môi trường cho Việt Nam trị giá 100 triệu Euro được ký vào tháng 5 năm 2009, cho các dự án đầu tư góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hỗ trợ các dự án có yếu tố EU, đã được hai bên thực hiện thành công.
Khoản vay này được cung cấp theo Ủy quyền về biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2013 và là hoạt động thứ tám của EIB tại Việt Nam, nơi Ngân hàng bắt đầu hoạt động vào năm 1996. Kể từ đó, tài trợ của EIB tại Việt Nam đã đạt gần 650 triệu EUR, bao gồm cả khoản vay này.
EIB là tổ chức cho vay dài hạn của Liên minh châu Âu thuộc sở hữu của các quốc gia thành viên. Ngân hàng cung cấp tài chính dài hạn cho các dự án đầu tư bền vững để góp phần hướng tới các mục tiêu chính sách của EU.
Hoạt động cho vay ngoài EU là một phần của chính sách hợp tác của EU với các nước thứ ba. EIB đã và đang cung cấp các khoản vay ở châu Á và châu Mỹ La tinh từ năm 1993 theo ba Ủy quyền liên tiếp.
Theo Ủy quyền hiện tại giai đoạn 2007-2013, Ngân hàng có thể cho vay lên đến 3,8 tỷ EUR. Khoản tiền này định hướng cho vay 2,8 tỷ EUR cho châu Mỹ Latinh và 1 tỷ EURcho châu Á.
Trong năm 2011, một khoản bổ sung 2 tỷ EUR cho Ủy quyền về biến đổi khí hậu toàn cầu (2011-2013) đã được EU thiết lập để chống lại biến đổi khí hậu.
Theo NangluongVietnam.vn