Thứ sáu, 27/12/2024 | 02:03 GMT+7

Phát triển xanh với năng lượng sạch

17/10/2012

Hiện ngành điện nước ta mỗi năm phải tăng trưởng gấp đôi so với GDP, trong khi bình quân trên thế giới, để tăng 1% GDP cũng chỉ tăng 1,2% - 1,5% năng lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả sử dụng năng lượng đó như thế nào?

Việt Nam là một trong những nước sử dụng nhiều năng lượng ở châu Á, cùng với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Hiện ngành điện nước ta mỗi năm phải tăng trưởng gấp đôi so với GDP, trong khi bình quân trên thế giới, để tăng 1% GDP cũng chỉ tăng 1,2% - 1,5% năng lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiệu quả sử dụng năng lượng đó như thế nào?

6250535bd_day_truyen_san_xuat.jpg

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sữa Trường Thọ.

Rào cản của phát triển xanh

Với doanh nghiệp (DN), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sử dụng năng lượng không hiệu quả. Thường thấy nhất là trình độ quản lý chưa tốt, sự phối hợp giữa các khâu trong quy trình sản xuất chưa tối ưu, công nghệ thiết bị chưa đạt hiệu quả năng lượng cao. Lãnh đạo DN cũng chưa thực sự quan tâm hoặc có quan tâm nhưng tâm lý sợ thay đổi hệ thống máy móc hiện hành khiến họ không mạnh dạn đầu tư sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm… Không chỉ vậy, rào cản về thiếu kinh nghiệm trong triển khai loại dự án tiết kiệm năng lượng của các đơn vị tư vấn tại Việt Nam đang khiến cho nhiều DN từ chối đầu tư cho lĩnh vực này.

Nắm bắt được thực tế đó, Bộ Công thương đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình hỗ trợ DN thực hiện tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Bộ Công thương đã chỉ định một số đơn vị sản xuất trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng sạch với quy mô công nghiệp tiết kiệm điện. Từ đó làm cơ sở nhân rộng cho nhiều DN trên cả nước. Và cách làm này được gọi là mô hình ESCO (Energy Service Company) và hiện đang tạo nên những hiệu quả hết sức thiết thực cho DN.

Ông Nguyễn Dương Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Solar-BK, một trong những đơn vị được Bộ Công thương giao thực hiện mô hình ESCO, cho biết, mô hình ESCO với việc chuyên thực hiện các gói dịch vụ năng lượng bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo trì, tối ưu hóa, đóng góp (đầu tư) tài chính cho DN áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, DN Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận nguồn năng lượng sạch một cách hiệu quả, an toàn, tránh các rủi ro về tài chính và kỹ thuật. Mô hình này hiện đã và đang được triển khai thành công tại các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Công (Trung Quốc)… Từ năm 2010, công ty đã triển khai mô hình trên cho các dự án liên quan đến ứng dụng năng lượng mặt trời đun nóng nước quy mô công nghiệp cho các khách sạn và cơ sở công nghiệp trên địa bàn TPHCM và các tỉnh phía Nam. Đến nay, đã có 15 công trình được đưa vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Cụ thể, các khách sạn 4 - 5 sao như Continental, Rex Sài Gòn, Đệ Nhất, Sammy Vũng Tàu, Vietso Petro Đà Lạt, Sunrise Nha Trang, Tòa nhà H.U.D Hà Nội… Riêng với cơ sở công nghiệp thì có Nhà máy Sữa Trường Thọ, lò giết mổ gia súc Cần Thơ…

Nhân rộng mô hình

Hậu quả của việc sử dụng năng lượng không hiệu quả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của DN, mà còn tác động xấu đến môi trường thông qua tăng phát thải CO2, khai thác cạn kiệt năng lượng hóa thạch như than đá, gỗ, dầu khí… Từ đó tăng sức ép đối với môi trường sống và tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Dương Tuấn cho biết, việc đưa vào hoạt động hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp trên đã giúp các đơn vị tiết kiệm trên 65% điện năng trong sản xuất, kinh doanh. Đại diện Hiệp hội Khách sạn Việt Nam (VHA) nhấn mạnh thêm, xuất phát từ hiệu quả thực tế đạt được, hiện VHA đang phối hợp với Công ty Solar-BK triển khai thêm mô hình ESCO dành cho 10 hội viên khác của hiệp hội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đây chỉ là số ít ỏi DN trong số hàng ngàn khu công nghiệp, chung cư, khách sạn, khu resort… ở nước ta đang có nhu cầu sử dụng năng lượng. Điều đáng lo ngại là nhu cầu này đang gia tăng không ngừng theo nhu cầu phát triển của xã hội trong khi hạ tầng đáp ứng nhu cầu này lại ngày càng thiếu hụt và cạn kiệt nghiêm trọng.

Việc triển khai mô hình ESCO không đơn thuần giúp các DN tiết kiệm hơn 65% điện năng mà quan trọng hơn, mô hình trên sẽ giúp DN giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống. Từ đó, giảm thiểu tối đa việc phát thải các loại khí nhà kính như CO2, CH4, N2O vào môi trường… DN khi ứng dụng mô hình ESCO không cần vốn đầu tư ban đầu để lắp đặt hệ thống mà chỉ phải trả dần bằng chi phí tiết kiệm nhờ giảm nhu cầu sử dụng năng lượng hàng tháng. Do vậy, những rào cản như thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật sẽ không còn là vấn đề nếu DN chủ động hơn trong việc tiếp cận và áp dụng mô hình này.

Về lâu dài, sự chuyển đổi hình thức sử dụng năng lượng từ truyền thống sang xanh, sạch sẽ giúp các DN tạo dựng hình ảnh kinh doanh thân thiện với môi trường. Đây cũng đang là xu thế được cộng đồng dân cư thế giới ưu tiên lựa chọn. Không chỉ thế, DN cũng sẽ nâng cao hiệu suất kinh doanh, đặc biệt tạo dựng cơ sở vững chắc để đưa hoạt động sản xuất của mình theo hướng bền vững hơn, phù hợp với xu thế xanh đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo SaiGonGiaiPhong