Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:10 GMT+7

Malaysia hướng tới mục tiêu 5,5% năng lượng tái tạo năm 2015

15/10/2012

Theo một phát biểu của Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, với mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải các-bon tới năm 2020, chính phủ Malaysia có kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng lên mức 5,5% vào năm 2015

Theo một phát biểu của Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, với mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải các-bon tới năm 2020, chính phủ Malaysia có kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng lên mức 5,5% vào năm 2015.

Thủ tướng Najib Razak  nói: “Chính phủ Malaysia đã thiết lập cơ chế và đưa ra chương trình giá điện ưu đãi, theo đó điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ được trả một tỷ lệ cao hơn.” Theo ông, năng lượng tái tạo sẽ khu hút một khoản đầu tư trị giá 70 tỷ RM (tương đương 23 tỷ USD) và tạo ra 50.000 việc làm vào năm 2020.

Ông nói thêm: “Kế hoạch này sẽ giúp giảm 42,4 triệu tấn khí thải các-bon, tương đương với 40%. Đây là mục tiêu mà  Malaysia đã cam kết tại Hội nghị về khí hậu tổ chức ở Copenhagen”.

861359e4c_renewableenergysources300x225.jpg

Thủ tướng Najib Razak phát biểu tại Triển lãm quốc tế về sản phẩm công nghệ xanh và thân thiện với môi trường (International Greentech and Eco Products Exhibition and Conference Malaysia - IGEM 2012) rằng: “Chính phủ Malaysia đã thúc đẩy năng lượng tái tạo trở thành mục tiêu trọng điểm và hướng tới đạt tỷ lệ 5,5% năng lượng tái tạo trong tổng các nguồn năng lượng tới năm 2015, và đạt 11% vào năm 2020.” Theo Thủ tướng, các chuyên gia dự đoán rằng tới năm 2020, tất cả các dự án “xanh” trong chương trình Chuyển đổi kinh tế sẽ tạo ra mức tổng thu nhập quốc nội lên tới 53 tỷ RM (tương đương khoảng 16,5 tỷ USD).

“Tôi tin rằng những động lực thị trường sẽ thay đổi hành vi của người mua hàng. Khi có một dấu hiệu rõ ràng từ phía Chính phủ về việc chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, thị trường sẽ bắt đầu xuất hiện những phương tiện “không khí thải các-bon” và có nhiều người tiêu dùng bắt đầu mua các sản phẩm này.”
Một số ưu đãi tài chính, các công cụ chính sách và cơ chế đã được đưa ra để phát triển năng lượng tái tạo ở Malaysia. Những ưu đãi này sẽ góp phần vào nỗ lực của Chính phủ nước này nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và vấn đề tăng nhu cầu năng lượng trong tương lai.

Kim Anh (theo cleantechnica.com)