Thứ sáu, 10/01/2025 | 23:24 GMT+7

“Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo”

15/10/2012

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành năng lượng Việt Nam đặt ra những thách thức đặc biệt về tầm nhìn, quy mô và nhiều vấn đề liên quan đối với các cơ quan hoạch định chính sách

Trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành năng lượng Việt Nam đặt ra những thách thức đặc biệt về tầm nhìn, quy mô và nhiều vấn đề liên quan đối với các cơ quan hoạch định chính sách. Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề thời sự này.

PV: Ông có thể khái quát tình hình năng lượng của Việt Nam ở thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thưa ông?
a42b65e51_tran_viet_ngai.jpgÔng Trần Viết Ngãi: Ở Việt Nam, có một thực tế là nhiều năm qua chúng ta chưa thực hiện được quy hoạch tổng thể hệ thống năng lượng quốc gia. Trong quá trình phát triển, tới nay, mới chỉ xây dựng được các chiến lược cho từng tiểu ngành cụ thể, ví dụ chiến lược quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (7 lần), quy hoạch phát triển ngành than (5 lần), quy hoạch phát triển dầu, khí (3 lần), quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo (dự thảo lần 1) hay chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (lần đầu tiên được phê duyệt vào ngày 27/12/2007). Theo tôi, phải đợi thời điểm các bộ, ngành chức năng thống nhất với quy hoạch tổng thể mới có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, các nguồn tài nguyên thiên nhiên là có hạn, không còn nhiều thời gian để ngồi cân đo đong đếm.

PV: Trong thời kỳ quá độ đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, an ninh năng lượng luôn gắn chặt với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Làm sao để chúng ta có thể khai thác triệt để những mặt tích cực, bắt tài nguyên phục vụ phát triển đất nước, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Như mọi người đều biết, các nguồn tài nguyên hóa thạch đều có hạn và trên thực tế đều có tác động ít nhiều tới môi trường khi khai thác và sử dụng. Than đang gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài bị than thổ phỉ lấn lướt. Giờ thì các mỏ lộ thiên sắp hết, khai thác than đòi hỏi công nghệ cao hơn, chi phí đội lên gấp nhiều lần mới có thể đạt được sản lượng đỉnh. Dầu khí thì không nói, vì còn phụ thuộc nhiều vào công tác thượng nguồn và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, từ chỗ xuất khẩu dầu thô đơn thuần, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã hoàn thiện thành công khép kín từ thượng tới hạ nguồn khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động. Lợi ích nhãn tiền là nhà máy giúp thị trường xăng dầu nội địa tự chủ được trên dưới 30% là một nỗ lực hết sức lớn của ngành Dầu khí. Đây sẽ là bàn đạp, là tấm gương để các ngành năng lượng khác nhìn vào phấn đấu hơn cho mình.

PV: Thưa ông, nỗ lực hướng nền kinh tế vào con đường tăng trưởng xanh đã không còn là chuyện của riêng những nước phát triển. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược tăng trưởng xanh mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt?

Ông Trần Viết Ngãi: Tôi đánh giá cao nỗ lực từ Chính phủ trong việc xác định hướng đi cho nền kinh tế vĩ mô. Sẽ có người cho rằng, Chính phủ đưa ra chiến lược vào thời điểm hiện tại là hơi muộn, thế nhưng cá nhân tôi lại suy nghĩ khác. Muộn nhưng không được lơi là, lãng quên, đó mới là điều quan trọng nhất. Mọi người để ý sẽ thấy, bất cứ một chính sách nào, nếu không được đôn đốc, tuyên truyền cụ thể thì rất khó để đi vào từng người dân, từng cá thể. Bởi vậy, để một chính sách thành công, vai trò của công tác tuyên truyền là không thể chối bỏ.

Tăng trưởng xanh là một khái niệm rất rộng. Một nền kinh tế được cộng đồng quốc tế thừa nhận là phát triển, phải là nền kinh tế khống chế được tương đối tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tránh được hiệu ứng nhà kính. Các quốc gia trên thế giới nói chung đang sử dụng nhiều nguồn năng lượng phát thải khí cacbonic, khí lưu huỳnh, nitơ... do đó làm trái đất nóng lên, dẫn đến thay đổi khí hậu, làm mực nước biển dâng tăng lên, gây ra thảm họa, động đất, sóng thần, mưa lũ trái mùa... Tất cả đều bắt nguồn từ việc con người không tạo ra được môi trường xanh, sạch, ít độc hại, loại bỏ hoàn toàn hiệu ứng nhà kính...

Việt Nam đã tham gia sâu, rộng vào xu hướng này, Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng nhân dân phải thực hiện một chương trình hành động có lộ trình giảm thiểu khí cacbonic, lưu huỳnh, nitơ... Đồng thời, trong ngành năng lượng giảm tối đa các nhà máy phát điện có đặc tính phát thải các khí cacbonic, lưu huỳnh... đồng thời tăng cường nghiên cứu, thử nghiệm năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ngành năng lượng phải phấn đấu đưa những dạng năng lượng mới trên chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế với thời gian thu hẹp so với chỉ tiêu. Đã đến lúc tư duy về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cần phải thay đổi. Từ nay tới 2030, nền kinh tế cơ bản phát triển theo hướng xanh, sạch, đó là một tầm nhìn chiến lược mới.

4259f4738_tnnl.jpg

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã giúp Việt Nam tự chủ được 30% xăng dầu

 

“Gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chuyển hướng nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tuy vậy các chuyên gia vẫn dự đoán, nhiên liệu hóa thạch còn thống trị cung cấp năng lượng ít nhất 3 thập kỷ nữa. Đơn giản bởi vì quá nhiều quốc gia không có sự lựa chọn ngoài việc khai thác tận thu tài nguyên thiên nhiên và coi đó là lực đẩy kinh tế. Trên cơ sở thực tế, các nguồn năng lượng mới cần phải được triển khai trên quy mô tương đương với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Bằng không, lượng phát thải cacbonic trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050”.

 

PV: Tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo, phân bổ rộng khắp trên toàn quốc. Sinh khối từ các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp có sản lượng tương đương 10 triệu tấn dầu/năm. Tiềm năng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 năm có thể thu được từ rác, phân động vật và chất thải nông nghiệp. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ (<50MW) là hơn 4.000MW. Nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ nắng trung bình là 5 kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp đất nước. Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu hơn 3.400km đường bờ biển và điều này cũng giúp chúng ta được xếp vào nhóm các nước có tiềm năng lớn về năng lượng gió (ước tính khoảng 500-1.000 kWh/m2/năm). Những nguồn năng lượng thay thế này có thể được sử dụng giúp chúng ta đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh. Mặc dù đã triển khai sớm và thành công một số dự án nhưng việc ứng dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.

 Như vậy, Chính phủ cần tập trung quy hoạch năng lượng xanh ngay từ lúc này, đặc biệt là năng lượng có nguồn gốc tự nhiên. Đó là pin mặt trời, năng lượng sinh khối (trấu, gỗ vụn, mùn cưa... qua lò hơi chuyển thành điện năng), địa nhiệt (sử dụng nguồn nước nóng trong lòng đất phát điện), phong điện, năng lượng sinh học (từ mía, sắn...), năng lượng thủy triều. Riêng với địa nhiệt, năng lượng sinh khối, năng lượng thủy triều... rất thích hợp với nhu cầu điện tại chỗ cho từng khu dân cư quy mô vừa phải. Chỉ có điều, công nghệ cho năng lượng tái tạo rất đắt đỏ, lại hiện đại. Để sở hữu, chúng ta cần có lộ trình dài hơi, nhưng phải bắt tay ngay vào việc (tài chính, nhân sự, công nghệ) trước khi quá muộn.


Riêng với thủy điện, Việt Nam có nguồn thủy điện dồi dào, chiếm 45% tổng sản lượng điện quốc gia. Bản thân thủy điện là nguồn năng lượng sạch, tuy nhiên việc phục hồi lượng rừng phải phá khi quy hoạch những thủy điện công suất nhỏ (dưới 50MW) cũng không hề đơn giản. Bởi lý do đó, đến năm 2017, Chính phủ cũng sẽ không cho xây mới bất cứ nhà máy thủy điện nào nữa.

d2321c5d0_tnnl2.jpg

Tiềm năng phát triển phong điện ở Việt Nam là rất lớn

PV: Việc phát triển năng lượng hạt nhân cũng gây ra những luồng dư luận trái chiều. Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá như thế nào về hướng đi này, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Phải đầu tư ban đầu lớn như hiện tại, thật khó để có thể khẳng định diện mạo điện hạt nhân Việt Nam trong tương lai. Sau khi hoàn thiện các dự án, điện hạt nhân sẽ đảm đương trên dưới 10% công suất. Như tôi đã nhiều lần đề cập, khi nói về điện hạt nhân, là nói đến chủ động năng lượng cho đất nước, trong bối cảnh nguồn điện từ tài nguyên thiên nhiên gặp khó khăn. Với điện hạt nhân, điều khiến mọi người quan tâm nhất là độ an toàn.

Tuy nhiên, có 3 yếu tố sau để chúng ta có thể đặt niềm tin vào dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thứ nhất, công nghệ chúng ta lựa chọn là công nghệ thế hệ 4A, là cao nhất, hiện đại nhất (thiết kế, chế tạo sử dụng, công nghệ bảo quản uranium, xử lý chất thải...) mà nhiều quốc gia đang sử dụng an toàn như Mỹ, Pháp, Nhật Bản... Thứ hai, Ninh Thuận là vị trí có địa chất tốt nhất, ổn định, không đứt gãy, ít biến đổi. Tính toán động đất cho các nhà máy chịu đựng tốt cấp 8. Chúng ta có dư chấn nhẹ do động đất từ xa và ở miền Nam là rất thấp. Hơn nữa nhà máy đặt cách bờ biển hàng chục km, sóng thần không thể ập vào được. Thứ ba, các nhà đầu tư Nhật Bản (dự án Ninh Thuận 2) và Nga (Ninh Thuận 1) có đủ năng lực, giúp chúng ta từ A đến Z, từ khảo sát, thiết kế, lựa chọn turbin, máy phát, lò phản ứng, xây dựng kho bảo quản nguyên liệu, rồi phương án xử lý chất thải, môi trường. Họ cũng sẽ đưa công nhân, kỹ sư, chuyên gia sang xây lắp toàn bộ.

Hiện tại, nhu cầu cấp thiết để giảm lượng khí thải carbon đã trở thành “kim chỉ nam” dẫn lối các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tập trung sự chú ý vào vai trò của năng lượng hạt nhân. Thêm nữa, thế giới ngày càng lâm vào tình trạng "khát" năng lượng, các nguồn năng lượng tự nhiên khác như than đá và thậm chí cả nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt. Nhu cầu xăng dầu tăng nhanh đến mức các nguồn năng lượng thường dùng không đáp ứng nổi. Trước tình hình này, điện hạt nhân được tính đến như một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề cứu vãn khủng hoảng năng lượng.

PV: Nghe nói ngành than đã kiểm soát được vấn đề môi trường trong khai thác cũng như nắm trong tay công nghệ lò hơi mới cho các nhà máy nhiệt điện than. Thực hư vấn đề này là như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa tổ chức chuyến công tác tổng kiểm tra ngành than. Than là ngành đặc biệt. Than có mặt trong hầu hết các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân, từ lớn tới nhỏ. Tuy nhiên, họ đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực cao ở khâu thượng nguồn (thăm dò, tìm kiếm, môi trường), giá thành bán cho các ngành công nghiệp trong nước chỉ bằng 1/2 giá trị thật, xuất khẩu đình trệ, cơ chế chưa thật thông thoáng. Ngành than đang nỗ lực để thay đổi công nghệ lò hơi mới cho chuỗi nhà máy nhiệt điện than có thể sử dụng than cám 6A, 6B, thậm chí cám 7 - những loại than chúng ta còn nhiều và không xuất khẩu được - để đốt lò hơi. Tôi khẳng định, ngành than có thể xử lý tương đối gọn gàng phát thải nếu được đầu tư mạnh trong thời gian tới.

4259f4738_tnnl.jpg

Ngành than Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở cả thượng nguồn lẫn hạ nguồn

PV: Nguồn nhân lực cao cũng là một vấn đề hết sức nan giải, phải không thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Một trong những nhận thức rõ ràng về lý luận, cũng như từ thực tế rằng: Nguồn nhân lực luôn là tài sản quý báu nhất, quan trọng nhất trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp, các tổ chức, hay rộng hơn là của một quốc gia. Nhưng khi nói nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất thì cần phải hiểu đó là những con người có tri thức, sáng tạo, đầy nhiệt huyết, tận tâm và có trách nhiệm cho việc đạt tới tầm nhìn, sứ mạng của đại cuộc, chứ không phải con người chung chung. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh. Điều này càng trở nên bức bách trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO và chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế. Quan điểm của cá nhân tôi, nhân lực cao có nghĩa là nhân lực chuyên nghiệp, vậy thôi!

Có công nghệ rồi, yếu tố con người trong chiến lược tăng trưởng xanh là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cứ mải miết đề ra chủ trương, chính sách... mà không có con người để hiện thực hóa thì những điều đó chỉ là sáo rỗng. Nhân sự cao ở đây là cao so với chính công nghệ mà họ đang theo đuổi. Có kỹ sư, có người làm chủ phòng thí nghiệm nhưng cũng phải có lao động lành nghề chứ. Trong điều kiện toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và trong điều kiện của thế giới chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang văn minh tri thức ngày nay, bối cảnh cạnh tranh của thế giới cũng đã và đang thay đổi. Cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang là chủ đề quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của các quốc gia cũng như từng tổ chức. Muộn nhưng trên thực tế không bao giờ chiến lược tăng trưởng xanh là muộn!

PV: Khối lượng công việc được xác định là rất lớn, tuy nhiên đâu là những việc đột phá chúng ta phải làm, thưa ông?

Ông Trần Viết Ngãi: Cải thiện hiệu quả có thể làm giảm nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, cắt giảm chi phí nhiên liệu, tăng sức cạnh tranh, giảm bớt tiếp xúc với nhiên liệu sinh lực giá và cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng. Nó cũng cung cấp các lợi ích môi trường bằng cách giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí. Hiệu quả đạt được cũng có thể tăng cường an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Theo số liệu của LHQ, lượng khí thải cácbon, loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu, đã tăng 3,1% - mức cao kỷ lục – vào năm 2011 so với 2010. 2011 cũng là năm ấm nhất kể từ khi các số liệu được thống kê vào giữa thế kỷ XIX. Những tranh cãi giữa nước giàu và nước nghèo về việc nhóm nước nào phải chịu trách nhiệm về việc Trái đất đang ấm lên vẫn chưa ngã ngũ, và trên thực tế, lo ngại về tác động của việc cắt giảm khí thải - chủ yếu từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch - đối với tăng trưởng kinh tế là một trong những yếu tố cản trở những hành động cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, điều đã dẫn tới sự gia tăng lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, mất mùa và nước biển dâng lên.

Các nước có lượng khí thải lớn khác như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Hàn Quốc cũng đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải, với các kế hoạch buôn bán hạn ngạch khí thải, đầu tư cho năng lượng sạch và ban hành các quy định luật pháp. Trung Quốc có kế hoạch cắt giảm lượng khí thải tính trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2020 khoảng 40-45% so với mức của năm 2005. Theo một báo cáo của BP, những nỗ lực giảm lượng khí thải của Trung Quốc sẽ cần chi phí 10 nghìn tỉ NDT (1,57 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, EU cam kết cắt giảm lượng khí thải vào năm 2020 ít nhất là 20% so với các mức của năm 1990.

 


Theo Petrotimes