Từ khi tiếp nhận lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, Công ty Điện lực Bắc Giang (ĐLBG) đã tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện, từng bước giảm tổn thất điện năng, khách hàng được sử dụng nguồn điện có chất lượng tốt hơn.
Sau hơn ba năm thực hiện Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp, đến nay Công ty ĐLBG đã bán điện đến hộ tại 146 xã trong diện được tiếp nhận đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp tập trung cải tạo, sửa chữa, khắc phục ngay những vị trí mất an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn để bảo đảm vận hành hệ thống liên tục. Từ năm 2009 đến nay, Công ty đầu tư khoảng 300 tỷ đồng tu sửa, nâng cấp, cải tạo lưới điện hạ áp thông qua dự án cải tạo tối thiểu, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên. Riêng các dự án cải tạo tối thiểu đã được triển khai ở hầu hết các xã được tiếp nhận. Trên địa bàn tỉnh có 235 trạm biến áp (TBA) được nâng cấp hoặc xây mới, 1.800 km đường dây các loại, gần 7 nghìn cột điện được cải tạo, thay thế đã góp phần nâng cao chất lượng điện, thu hẹp dần phạm vi lưới điện bị quá tải. Tỷ lệ hao tổn điện năng trên lưới điện hạ áp nông thôn tháng 8-2012 là 16,9%, giảm hơn 17,3% so với khi mới tiếp nhận, chất lượng điện tại nhiều khu vực được cải thiện đáng kể. Điển hình như Điện lực Yên Dũng đã tiếp nhận hệ thống điện của 19 xã trên địa bàn, qua đó nâng tổng số TBA bán lẻ mà đơn vị quản lý lên hơn 90 trạm với hơn 400km đường dây hạ áp. Ông Trịnh Mạnh Hà, Phó Giám đốc Điện lực Yên Dũng cho biết: "Sau khi tiếp nhận, đơn vị đã tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương và địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng mới 9 TBA với tổng công suất 2.350 KVA, thay thế hàng chục km đường dây không bảo đảm an toàn. Nhờ đẩy mạnh hoạt động đầu tư cải tạo, đến nay, tỷ lệ tổn thất điện năng trên địa bàn huyện đã giảm gần 15% so với trước khi tiếp nhận". Cùng đó, Công ty ĐLBG cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng của đường dây, TBA để kịp thời phát hiện tình trạng đầy tải, quá tải và có biện pháp cân, đảo pha, chống quá tải đường dây, TBA, thực hiện vệ sinh sứ cách điện, chống sét… theo đúng quy định. Tiến hành rà soát, khoanh vùng các TBA có tổn thất cao, tìm nguyên nhân để có phương án xử lý nhằm giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Trạm biến áp Nội Hoàng 3 đưa vào sử dụng tháng 7-2012 góp phần nâng cao chất lượng điện khu vực xã Nội Hoàng (Yên Dũng).
Việc ngành điện tiếp nhận, cải tạo lưới điện và bán điện trực tiếp đến hộ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như: người dân được mua điện theo đúng biểu giá bậc thang do Chính phủ quy định thay vì mua theo mức giá cao do các tổ chức bán điện trung gian tự đặt ra; người dân được sử dụng điện với chất lượng tốt hơn, an toàn hơn... Tìm hiểu tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) được biết, hệ thống điện được xây dựng từ mấy chục năm trước, sau nhiều năm không được sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng, đường dây cũ nát, không bảo đảm an toàn. Tỷ lệ tổn hao điện năng thường xuyên ở mức 45% gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước thực tế này, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện của xã vào tháng 5-2011, Công ty ĐLBG đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cải tạo tối thiểu và sửa chữa lớn, thay thế 129 cột điện, hơn 12 nghìn mét dây trần tiết diện nhỏ bằng dây cáp xoắn. Công ty đã lắp đặt thêm 1 TBA 160 KVA để san tải, giảm bán kính cấp điện cho 2 TBA trước đó. Hiện nay, lưới điện hạ áp nông thôn tại xã Nội Hoàng đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tổn thất điện năng còn 20%. Ông Dương Văn Lưu, thôn Si cho biết: "Gia đình tôi sử dụng điện phục vụ sinh hoạt là chủ yếu, nhưng trước đây do dây nhỏ và kéo từ ngoài mặt đường vào hơn 100m nên điện yếu, chập chờn, các thiết bị điện như tủ lạnh, nồi cơm điện đều không sử dụng được và hay bị hỏng. Từ khi ngành điện đầu tư thay thế đường dây cùng với xây dựng thêm TBA Nội Hoàng 3 đến nay, nguồn điện tương đối ổn định, gia đình tôi rất yên tâm khi sử dụng các thiết bị điện".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, hiện nay, tại một số thôn, xóm như: thôn Tân Bình, xã Bình Sơn (Lục Nam), thôn Quán Cà, xã Biên Sơn (Lục Ngạn); một phần xã Lão Hộ (Yên Dũng)... dù đã được ngành điện quan tâm đầu tư, nâng cấp lưới điện nhưng tình trạng điện yếu, mất điện cục bộ do quá tải vẫn xảy ra. Nguyên nhân do các xã thiếu kinh phí nên đến thời điểm này Công ty ĐLBG mới đáp ứng được nhu cầu thay thế công tơ cũ và thay một số đoạn đường dây nhánh xuống cấp, không đủ để xây dựng đồng thời các TBA mới ở tất cả những điểm có bán kính cấp điện lớn.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, thời gian qua ngành điện đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn nhằm hoàn thiện hệ thống điện khu vực nông thôn. Đến tháng 7 vừa qua, với tổng mức đầu tư 455 tỷ đồng, Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Bắc Giang vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã được ngành điện triển khai tại 138 xã trên địa bàn 10 huyện, thành phố. Đến năm 2014, khi dự án hoàn thành, việc cung cấp điện trên địa bàn sẽ được cải thiện đáng kể, các xã sẽ có lưới điện đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH khu vực nông thôn. Cùng với nỗ lực trong việc đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn, ngành điện cũng cần được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương cũng như việc làm thiết thực của người dân trong thực hành tiết kiệm điện và sự ủng hộ để các đề án, dự án về điện ở khu vực nông thôn đạt hiệu quả cao.
Theo: Báo Bắc Giang