Thứ bảy, 20/04/2024 | 09:54 GMT+7

Sử dụng E5, E10 cho phát triển bền vững

13/08/2012

Xăng E5 và E10 đã được khuyến khích và bắt buộc sử dụng tại hơn 30 nước trên thế giới do đem lại những lợi ích to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường.

Xăng E5 và E10 đã được khuyến khích và bắt buộc sử dụng tại hơn 30 nước trên thế giới do đem lại những lợi ích to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường.

Xăng E5 và E10 đã được khuyến khích và bắt buộc sử dụng tại hơn 30 nước trên thế giới do đem lại những lợi ích to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường. Các nghiên cứu áp dụng E5/E10 tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Chế biến Dầu khí thuộc Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện từ năm 2003 đã khẳng định khả năng giảm đáng kể hàm lượng khí thải độc hại, khả năng sử dụng tương đương với xăng gốc khoáng trong các loại xe máy/xe ô tô hiện hữu ở Việt Nam của xăng E5/E10 và đã cung cấp các cơ sở khoa học để Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý cho việc sản xuất và sử dụng rộng rãi E5/E10. Tổng Công Ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đã pha chế, tồn trữ, vận chuyển và phân phối thành công hơn 20.000 m3 E5 tại 36 tỉnh thành trong cả nước. Để phát triển bền vững và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước cần sớm có lộ trình bắt buộc sử dụng E5/E10.


a8aae0abd_thu_nghiem_1.jpg
Thử nghiệm trên băng tải

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học (QCVN 1:2009/BKHCN) định nghĩa xăng E5 là hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4 - 5% theo thể tích. Nếu pha từ 9 - 10% theo thể tích ethanol nhiên liệu biến tính với xăng không chì sẽ thu được E10. Ethanol nhiên liệu biến tính là ethanol được pha thêm các chất biến tính, để sử dụng pha chế trong nhiên liệu cho động cơ xăng và không được sử dụng cho mục đích chế biến đồ uống [1]. Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của ethanol nhiên liệu biến tính được quy định rất rõ trong quy chuẩn nói trên, đặc biệt là hàm lượng nước phải nhỏ hơn 1% thể tích để đảm bảo chất lượng của xăng E5 và E10.

Xăng E5/E10 và phát triển bền vững

Sự phát triển bền vững của một quốc gia không thể tách rời với việc phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường và đặc biệt là đảm bảo an ninh năng lượng. Trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu gốc khoáng tăng cao trong khi nguồn cung cấp ngày càng hạn chế dẫn đến giá nhiên liệu gốc khoáng tăng cao, việc đảm bảo an ninh năng lượng đang ngày càng trở nên cấp bách đối với tất cả các nước trên thế giới. Thêm vào đó, nhu cầu giảm phát thải các loại khí thải độc hại để bảo vệ môi trường, giảm chi phí y tế cho cộng đồng cũng trở nên bức thiết. Ngoài ra, việc hình thành một ngành công nghiệp nhiên liệu mới cũng sẽ giúp tạo việc làm, tạo cơ hội đầu tư và hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo nói chung và E5/E10 nói riêng đáp ứng cả ba khía cạnh này. Nghiên cứu của Hiệp hội nhiên liệu tái tạo Canađa cho thấy ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế hàng năm của nhiên liệu tái tạo tại Canađa lên đến 2 tỷ USD.

8c0fd5e7f_thu_nghiem_2.jpg
Thử nghiệm trên đường trường, địa hình đồi núi

Do đó, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung và E5, E10 nói riêng. Hiện nay, có 20 nước bắt buộc sử dụng xăng sinh học có hàm lượng từ 4 - 20% theo thể tích ethanol nhiên liệu biến tính trong phạm vi cả nước hay ở một số thành phố/tỉnh/tiểu bang chính bao gồm Ailen (E4), Ấn Độ (E5), Argentina (E5), Braxin (E20), Canada (E5), Colombia (E8), Costa Rica (E7), Jamaica (E10), Kenya (E10 tại Kisumu), Malawi (E10), Mehicô (E6), Mỹ (E10 tại 10 bang), Paraguay (E24), Peru (E7,8), Phần Lan (E5/E10), Philippines (E5), Rumania (E4), Thụy Điển (E5), Trung Quốc (E10 tại 9 tỉnh) và Úc (E5 tại Queensland, E4 tại New South Wales) [3, 4]. Có 14 nước đang khuyến khích sử dụng E5/E10 hoặc tương đương bao gồm Áo (E10), Chi lê (E5), Đan Mạch (E5), Đức (E5/E10), Etiopia (E5), Fiji (E10), Hà Lan (E5/E10/E15), Indonesia (E3), New Zealand (E10), Nigeria (E10), Pakistan (E10), Pháp (E5/E10), Thái Lan (E10/E20) và Việt Nam (E5).

Kết quả nghiên cứu áp dụng E5/E10 tại Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học trong đó có E5/E10 đến sự phát triển bền vững của đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã giao Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro) thuộc Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) bắt đầu nghiên cứu thử nghiệm xăng E5/E10 từ năm 2003. Trải qua 03 giai đoạn nghiên cứu từ trên băng tải trong phòng thí nghiệm đến chạy thử nghiệm trên hiện trường và đánh giá ý kiến người tiêu dùng cho các loại xe máy, xe ô tô khác nhau, kết quả thu được đều cho thấy sử dụng xăng E5/E10 giúp giảm mạnh hàm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là CO (đến 44%), Hydrocarbon (đến 25%) và NOx (đến 10%). Như vậy, sử dụng E5/E10 sẽ giúp hiện thực hóa “Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới” của Chính phủ trong đó quy định rõ chất lượng xăng tương ứng với tiêu chuẩn Euro 4 từ 01/01/2016 và Euro 5 từ 01/01/2021. Với trên 30 triệu chiếc xe máy và khoảng 1 triệu chiếc ô tô chạy xăng ở Việt Nam hiện nay, tổng lượng khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường hàng năm sẽ giảm đáng kể khi sử dụng E5/E10.

Kết quả thử nghiệm cho thấy các thông số vận hành (như công suất, lực kéo có ích, khả năng tăng tốc, khả năng vượt dốc) và mức tiêu hao nhiên liệu của động cơ chạy xăng E5 trên các phương tiện ngoài thực tế tương đương như khi sử dụng xăng gốc khoáng.

Đặc biệt, PVPro đã tiến hành thử nghiệm đánh giá độ bền động cơ xe sử dụng 2 động cơ xe ô tô Suzuki mới 100% trong đó 1 động cơ chạy E5 và 1 động cơ chạy E10 liên tục với cường độ cao và chế độ gia tốc khắc nghiệt trong 3 tháng. Trước và sau thử nghiệm, mỗi động cơ đều được tháo dỡ để đo kiểm các chi tiết kim loại của cụm truyền động và chi tiết phi kim loại để làm chuẩn so sánh với hiện trạng sau 3 tháng chạy thử nghiệm. Kết quả cho thấy độ mài mòn của cụm truyền động (xy lanh, piston, séc-măng, xu-pap, bạc lót, chốt piston) của động cơ chạy xăng E5 hoàn toàn tương đương với động cơ mới chạy bằng xăng A92 gốc khoáng. Ngoài ra, các chi tiết phi kim loại (cao su, nhựa) như ống dẫn xăng, lọc xăng, các gioăng đệm, phớt bít kín máy đều không bị tác động bởi xăng E5 sau lộ trình quy đổi tương đương với chạy 36.000 km đường thực tế.

Các kết quả nghiên cứu này cùng với các kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và các trường, Viện, công ty khác trong nước như APP và Đại học Bách khoa Hà Nội đã được dùng làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2010 sản xuất và sử dụng 100.000 tấn E5/năm, đến năm 2015 nhiên liệu sinh học đáp ứng 1% và đến năm 2025 khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước (tương đương với khoảng 1,1 triệu tấn E5/năm vào năm 2015 và khoảng 4,4 triệu tấn E10/năm vào năm 2025). Các kết quả nghiên cứu này giúp Bộ Khoa học Công nghệ ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho xăng E5 và E10 để đảm bảo xăng E5/E10 có chất lượng tương đương với xăng gốc khoáng và tương hợp với các loại xe ô tô/xe máy đang hoạt động.

Việc sử dụng xăng E5/E10 cũng được các nhà sản xuất ô tô/xe máy ủng hộ thông qua việc chính thức cam kết bảo hành cho người tiêu dùng sử dụng các loại xăng E5/E10. Các nhà sản xuất ô tô chính trên thế giới đều ghi rõ trong Sổ tay hướng dẫn sử dụng việc chấp nhận sự tương hợp giữa xăng không chì chứa từ 10% thể tích ethanol nhiên liệu biến tính trở xuống đối với động cơ và vẫn đảm bảo đầy đủ các quyền lợi bảo hành cho người sử dụng xe. Một số hãng sản xuất xe lớn như General Motors, Ford, DaimlerChrysler, Infinity, Isuzu, Lexus, Mitsubishi, Nissan, Saab, Saturn, Subaru và Toyota còn khuyến cáo nên sử dụng loại xăng có chứa đến 10% thể tích ethanol nhiên liệu biến tính để tăng hiệu suất vận hành xe và giảm khí thải, cải thiện chất lượng không khí. Tại Việt Nam, hãng Honda chấp nhận cho người sử dụng xe gắn máy Air Blade sử dụng xăng có chứa dưới 10% ethanol.

Hiện trạng phân phối xăng E5/E10 tại Việt Nam

Với mong muốn góp phần hình thành thị trường nhiên liệu sinh học ở Việt Nam và giới thiệu rộng rãi cho người tiêu dùng về nhiên liệu mới thân thiện với môi trường, ngay từ đầu năm 2010, PV OIL đã triển khai các công tác chuẩn bị kinh doanh thí điểm xăng E5 tại một số tỉnh thành trong cả nước như: đầu tư hệ thống pha chế, cải tạo cửa hàng xăng dầu và xe bồn, tìm kiếm nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tổ chức tuyên truyền, quảng bá về nhiên liệu sinh học trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị, ngày 01/08/2010, PV OIL đã chính thức đưa sản phẩm xăng E5 ra thị trường xăng dầu Việt Nam với 20 điểm bán đầu tiên và đến cuối năm 2011 đã phát triển mạng lưới cung cấp lên thành 146 cửa hàng xăng dầu (92 cửa hàng thuộc hệ thống của PVOil, 54 cửa hàng thuộc đại lý và tổng đại lý) tại 36 tỉnh thành trong cả nước và cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 m3 xăng E5. Toàn bộ lượng xăng có pha ethanol của PV OIL trước khi đưa ra thị trường đều được hợp quy bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đáp ứng đầy đủ các quy định trong Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học (QCVN 1:2009/BKHCN). Bên cạnh PV OIL, từ tháng 8/2010, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp. Hồ Chí Minh (SaigonPetro) cũng đã triển khai pha chế và phân phối xăng E5. Đến nay SaigonPetro đã bán xăng E5 tại 4 cửa hàng tại Tp. HCM. Ngoài ra Công ty CP Vật tư Xăng dầu Comeco cũng có 5 điểm bán đều đặt tại Tp. Hồ Chí Minh.

Trong tương lai gần, xăng E5/E10 sẽ được bắt buộc áp dụng tại Việt Nam theo xu hướng chung của khu vực và thế giới. Dự thảo “Lộ trình bắt buộc áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống” của Bộ Công thương quy định bắt buộc áp dụng tỷ lệ pha trộn xăng E5 cho phương tiện cơ giới đường bộ bắt đầu từ ngày 1/12/2013 tại 07 tỉnh thành phố bao gồm: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến 1/6/2015, xăng E5 sẽ được bắt buộc áp dụng cho các phương tiện cơ giới trên toàn quốc. Dự kiến, xăng E10 sẽ được phân phối bắt buộc từ 1/6/2015 tại 07 tỉnh, thành phố như trên và từ 1/12/2016 trên toàn quốc.

Như vậy, sử dụng E5/E10 giúp giảm lượng xăng dầu phải nhập khẩu, giảm nhập siêu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Ước tính nếu Việt Nam sử dụng toàn bộ xăng E5 trong năm 2012 sẽ giảm nhập khẩu gần 300.000 m3 xăng, tương đương với khoảng 200 triệu USD. Nếu sử dụng toàn bộ E10, lượng ngoại tệ tiết kiệm sẽ tăng gấp đôi, khoảng 400 triệu USD. Ngoài ra, do có nguồn tiêu thụ ổn định các loại nguyên liệu để sản xuất ethanol nhiên liệu biến tính như sắn và mía, thu nhập của người nông dân trồng các loại nông sản này sẽ được ổn định và nâng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất.

Bên cạnh đó, việc hình thành ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Đồng thời, việc sử dụng E5/E10 còn giúp giảm phát thải các loại khí thải độc hại như: CO, hydrocarbon, NOx và bụi ra môi trường, giúp cải thiện chất lượng sống của người dân và giảm chi phí y tế cho cộng đồng, đặc biệt ở các thành phố có lượng xe máy, xe ô tô chạy xăng lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh. Với các tác dụng to lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, hỗ trợ phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng môi trường, giúp đất nước phát triển bền vững, việc Nhà nước sớm ban hành lộ trình bắt buộc cho việc sử dụng E5/E10 trên cả nước là hết sức cần thiết.

Theo pvoil.com.vn