Thứ tư, 06/11/2024 | 06:58 GMT+7

Nhu cầu năng lượng đang thách thức các nước châu Á

26/06/2012

Để đối phó với vấn đề này, châu Á đang tích cực tìm cách đa dạng hoá nguồn cung, xây dựng các kho dự trữ chiến lược và đầu tư vào các tài sản có liên quan đến dầu mỏ.

Nhu cầu dầu ngày càng gia tăng của các nước châu Á đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà lãnh đạo khu vực, do dự trữ dầu nhìn chung còn thấp và việc nhập khẩu dầu còn phụ thuộc nhiều vào các nước không ổn định về chính trị.

Theo mạng phân tích và tư vấn EIU thuộc tạp chí “The Economist”, để đối phó với vấn đề này, châu Á đang tích cực tìm cách đa dạng hoá nguồn cung, xây dựng các kho dự trữ chiến lược và đầu tư vào các tài sản có liên quan đến dầu mỏ. Chính phủ các nước cũng tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn môi trường, nhằm hạn chế tăng trưởng nhu cầu dầu.

6c6e49b70_1144.jpg

Tiêu dùng dầu mỏ tăng gắn liền với tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là sự cải thiện của điều kiện sống. Sự phát triển kinh tế của các nước nghèo tất yếu dẫn đến việc gia tăng sở hữu xe ô tô của người dân khi thu nhập tăng tới một mức độ nhất định nào đó.

Trong khi đó, giao thông vẫn là một lĩnh vực chưa có mấy sự lựa chọn thay thế cho xăng dầu, dẫn đến nhu cầu dầu tăng mạnh. Thực tế này đã diễn ra ở Trung Quốc vào khoảng năm 1995-1996 và theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế, tỷ lệ tiêu thụ dầu mỏ cho giao thông đã tăng từ mức 4,8% năm 1995 lên gần 8% vào năm 2009. Trước khi việc sở hữu ô tô tăng lên, chiến lược tăng trưởng với trọng tâm là công nghiệp nặng của Trung Quốc cũng làm tiêu tốn nhiều năng lượng. Do đó, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Mô hình phát triển của Ấn Độ cho đến nay đòi hỏi ít năng lượng hơn. Trong những năm gần đây, Ấn Độ tập trung nhiều hơn vào phát triển lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thu nhập tăng đang dẫn đến việc sở hữu ô tô bắt đầu tăng và điều này sẽ làm tăng tiêu dùng dầu mỏ tại Ấn Độ trong thập niên tới.

Nhìn chung, tiêu dùng dầu trên toàn châu Á sẽ tăng đáng kể. Hiện tiêu thụ dầu bình quân đầu người của khu vực vẫn thấp, chỉ trên 2 thùng/người/năm ở Trung Quốc, dưới 1 thùng ở Ấn Độ và 6 thùng ở Đài Loan. Đây là mức rất thấp so với mức 18 thùng/người/năm của Nhật Bản và 24 thùng của Mỹ.

Khoảng 80% lượng dầu tiêu thụ ở châu Á đến từ Trung Đông. Đa số lượng dầu nhập khẩu của châu Á được vận chuyển bằng đường biển, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về tai nạn, cướp biển và khủng bố, trong đó, việc khoảng 90% nguồn cung dầu được vận chuyển bằng các đội tàu biển không thuộc sở hữu của châu Á càng làm tăng sự mất an toàn cho nguồn dầu của châu lục.

Chính phủ các nước trong khu vực đang thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế nguy cơ nguồn cung dầu bị gián đoạn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn trong tương lai. Do khả năng tăng sản lượng dầu sản xuất trong nước bị hạn chế nên các nước phải tập trung vào việc đa dạng hoá nguồn cung, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xây dựng dự trữ chiến lược và mua các tài sản liên quan đến dầu mỏ ở nước ngoài.

Trung Quốc đã rất tích cực tìm cách kiểm soát các nguồn tài nguyên ở nước ngoài. Dù thất bại trong các thương vụ nhằm mua Unocal của Mỹ hay Yugansk của Nga, nhưng Trung Quốc đã xâm nhập được vào một số nước ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc tại Sudan và đang làm việc tại 2 dự án dầu ở Iran và 4 dự án lớn ở Iraq.

Hầu hết các nước châu Á đang thực hiện chính sách khuyến khích liên doanh với các nhà sản xuất dầu mỏ lớn. Các công ty dầu mỏ thuộc sở hữu nhà nước của Trung Đông, đặc biệt là Aramco của Saudi Arabia và KPC của Kuwait, đã đầu tư vào các công ty lọc dầu và tiếp thị ở châu Á. Các liên doanh này có lợi cho cả hai bên, các nhà sản xuất Trung Đông đảm bảo được thị trường và doanh thu, còn các nước châu Á thì đảm bảo được nguồn cung.

Một trong những yếu tố khác có thể giúp châu Á bớt phụ thuộc vào dầu nhập khẩu là chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái chế, bao gồm cả việc phát triển ô tô chạy bằng điện. Nếu giải pháp này cùng với các giải pháp khác mang lại kết quả thì có thể giảm đáng kể lượng dầu sử dụng cho giao thông và qua đó cũng cải thiện an ninh năng lượng cho khu vực.

Theo Tamnhin.net