Thứ hai, 25/11/2024 | 02:45 GMT+7

Cần loại bỏ những cỗ máy ngốn năng lượng

15/02/2012

"Chúng ta cần lập một hàng rào kỹ thuật để loại bỏ những cỗ máy lạc hậu, tiêu thụ nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường"

"Chúng ta cần lập một hàng rào kỹ thuật để loại bỏ những cỗ máy lạc hậu, tiêu thụ nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường", ông Mã Khai Hiền (ảnh), Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (Enerteam) đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.
 
Ông Mã Khai Hiền dẫn kết quả cuộc khảo sát về tiêu thụ năng lượng (NL) và tiềm năng tiết kiệm NL tại hàng chục doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực là sản xuất thép, xi măng, dệt nhuộm và thủy sản cho biết, mức tiêu hao NL của các nhà máy thép ở Việt Nam gần gấp đôi so với nhà máy thép ở Nhật; nhà máy xi măng, mức tiêu hao NL cũng cao hơn gấp 30% so với trung bình của thế giới; tiềm năng tiết kiệm NL tại nhà máy ngành dệt nhuộm là 20-30%, đối với ngành thủy sản là khoảng 20%.

* Theo ông, các chủ đầu tư chọn công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn vì họ không biết hay không có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại?

cb51952e3_mr_hien.jpgTôi nhận thấy hầu hết các chủ dự án đều biết đến công nghệ tiên tiến. Công nghệ hiện đại thì mức tiêu hao năng lượng thấp, chi phí vận hành - bảo trì thấp, giá thành trên mỗi đơn vị sản phẩm sẽ giảm. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Trong khi giá điện của nước ta rẻ, nhà nước chưa có một hàng rào nào để ngăn công nghệ lạc hậu, chưa có một chính sách tốt để thúc đẩy các chủ đầu tư chọn công nghệ hiện đại, cộng với việc nguồn vốn ban đầu của họ ít, nên rất nhiều nhà đầu tư đã chọn giải pháp chọn công nghệ trung bình hoặc thậm chí lạc hậu để lắp đặt.

Khi đã đi vào sản xuất, nhiều người đã có vốn, muốn cải tạo dây chuyền nhưng lại gặp trở ngại là phải dừng sản xuất để thay đổi hoặc lắp đặt dây chuyền mới. Điều này lại ảnh hưởng tới sản xuất, ảnh hưởng tới lợi nhuận.

* Ở các nước phát triển, họ đã lập hàng rào kỹ thuật và xây dựng chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại như thế nào, thưa ông?

Chính phủ và các cơ quan nghiên cứu sẽ khảo sát lập bộ cơ sở dữ liệu về tiêu thụ năng lượng, đưa ra một mức sàn về tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm. Chính quyền sẽ đối chiếu thông số trong dự án với mức quy chuẩn, nếu dưới chuẩn sẽ loại, nếu càng sử dụng năng lượng với hiệu suất cao, càng sạch sẽ càng được ưu tiên về thủ tục, đất, thuế, tài chính...

Những quy chuẩn sẽ được thay đổi nâng cấp định kỳ để phù hợp với sự tiến bộ của khoa học công nghệ.

7a462f894_consteel.jpg
Nếu ứng dụng công nghệ consteel, sấy liệu liên tục trước khi nung, nhà máy luyện thép bằng hồ quang điện
có thể tiết kiệm được 20% điện năng tiêu thụ


* Vậy ở Việt Nam, chúng ta cần thay đổi gì về chính sách để chọn lọc được công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng?

Bộ Công thương cũng đang làm việc với các tổ chức, đơn vị nghiên cứu để khảo sát và đưa ra một mức sàn về tiêu hao năng lượng trong một số  ngành công nghiệp nặng. Đây chính là bước đầu để xây dựng hàng rào kỹ thuật như tôi nói ở trên.

Nhà nước nên lập các quỹ hỗ trợ để thu xếp vốn cho các dự án ứng dụng công nghệ cao, các dự án đầu tư sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng... có chính sách cởi mở để thu hút nguồn tài chính quốc tế trong lĩnh vực hỗ trợ cải tiến công nghệ;

Giá điện ở Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều nước, cộng với việc chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật, quy định về bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo, nên rất nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc và một vài nước khác đã tìm đến Việt Nam. Họ mang sang các cỗ máy có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều NL, mức đầu tư thấp, và chi phí năng lượng trong cơ cấu tổng chi phí sản xuất chiếm một tỷ lệ thấp (dù tiêu hao nhiều năng lượng). Điều này tạo ra hiệu ứng rất xấu và có nguy cơ biến nước ta thành thành bãi rác công nghệ của thế giới.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Niên Online