Thứ bảy, 23/11/2024 | 09:51 GMT+7

Cần hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo

08/02/2012

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chỉ chính sách riêng thì chưa đủ mà cần có chế tài kèm theo mạnh hơn nữa

Việt Nam có tiềm năng lớn và đa dạng về năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, gió, mặt trời địa nhiệt… Tuy nhiên, để phát triển các nguồn năng lượng quý giá này rất cần hiện thực hóa một hướng đi. PV đã có cuộc trao đổi với TS Dư Văn Toán - Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý Tài nguyên biển - Viện Nghiên cứu Quản lý biển và Hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PV: Là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về năng lượng tái tạo trong vòng 15 năm qua, ông cho biết tiềm năng phát triển nguồn năng lượng này trên thế giới?

9375698d2_ts_toan.jpgNăng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh được hiểu là dạng năng lượng mà nguồn nhiên liệu của nó liên tục được tái sinh trong quá trình tự nhiên. Trong lĩnh vực sản xuất điện, năng lượng tái tạo bao gồm: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, sinh khí, địa nhiệt…

Theo thống kê của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA – 2004), tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên toàn thế giới là 160 GW (không tính thủy điện lớn), chiếm 4% tổng công suất các nhà máy điện. Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhất là điện mặt trời với tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm, tiếp theo là điện gió 28%/năm.

Dự kiến, đến năm 2050, riêng ở châu Âu sẽ sử dụng khoảng 50% năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điển hình là ở Đức, tỉ lệ này có thể đạt được sớm hơn, khoảng năm 2030.

PV: Thời gian gần đây, ở Việt Nam, năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng gió đang được nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Một trong những nội dung được chú trọng trong Quy hoạch điện VII là khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, phấn đấu đến năm 2030, NLTT sẽ chiếm khoảng 6% tổng nguồn điện cả nước. Bên cạnh đó, Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ đối với việc phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam cũng được coi là “cánh cửa” mở rộng để điện gió phát triển. Từ đây, nhiều dự án, vốn đầu tư đã được bổ sung cho điện gió.

f7edbc23c_nangluongsach.jpg

Tuy nhiên, với mức giá điện gió như quy định trong Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg hiện nay là 7,8 cent/kWh thì cánh cửa vẫn chưa thực sự rộng mở. Theo tính toán của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), nếu sử dụng công nghệ từ Mỹ và các nước châu Âu, giá điện gió bình quân là 10,68 cent/kWh; còn nếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc thì giá điện gió vào khoảng 8,6 cent/kWh.

Trong khi hiện nay, giá bán bình quân của EVN đến người tiêu dùng điện chỉ khoảng hơn 5 cent/kWh mà việc tăng giá điện còn đang rất khó khăn. Đây có thể coi là một rào cản lớn đối với việc phát triển năng lượng gió tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn cho việc phát triển điện gió thương mại, đặc biệt là khu vực dọc bờ biển Trung – Nam Bộ.

PV: Ngoài năng lượng gió, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nào khác không, thưa ông?

Việt Nam có bức xạ mặt trời vào loại cao nhất thế giới, với số giờ nắng dao động từ 1.600 – 2.600 giờ/năm. Tính trung bình trên cả nước thì bức xạ mặt trời dao động từ 3,8 – 5,2 kWh/m2/ngày. Đặc biệt là khu vực từ Thừa Thiên Huế trở vào (bức xạ dao động từ 4,0 – 5,9 kWh/m2/ngày). Về địa nhiệt, tại Việt Nam có khoảng 300 nguồn nước nóng được phân bổ trên cả nước, trong đó hơn 60 nguồn nước nóng có nhiệt độ trên 500C. Hơn 100 nguồn địa nhiệt có nhiệt độ từ 300C đang được khai thác, sử dụng trực tiếp cho việc đóng chai, tắm hơi chữa bệnh, khu du lịch…

Phần lớn các nguồn nước nóng này tập trung ở các khu vực chịu ảnh hưởng của các hoạt động địa chất mạnh như Tây Bắc, Nam Trung Bộ. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020, năng lượng biển cũng được coi là một nguồn năng lượng quan trọng cần sớm được đưa vào khai thác. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn chưa được tiến hành một cách có hệ thống và chưa có cơ quan đầu mối trong việc lập quy hoạch phát triển năng lượng biển.

PV: Ông có đề xuất nào để đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung?

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chỉ chính sách riêng thì chưa đủ mà cần có chế tài kèm theo mạnh hơn nữa. Trung Quốc hiện nổi lên là nước sớm ban hành Luật năng lượng tái tạo, tạo ra động lực để phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Nhờ có Luật NLTT (có hiệu lực từ tháng 1/2006), năm 2007, công suất điện gió của Trung Quốc đã tăng mạnh, đạt mức 3.450 MW, tăng 156%. Thế giới đã đi đúng hướng và Việt Nam cũng không nên nằm ngoài quỹ đạo phát triển đó.

Vì vậy, Chính phủ cần xem xét sớm ban hành Luật năng lượng tái tạo, là cơ sở pháp lý để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó cần cụ thể  hóa chiến lược phát triển điện gió.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Điện lực