Thứ sáu, 27/12/2024 | 16:47 GMT+7

Năng lượng bền vững - Lời giải cho bài toán khó

25/01/2012

Hội nghị Cấp cao Năng lượng tương lai của thế giới đang diễn ra tại Abu Đabi, thủ đô của Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thế giới đang tăng nhanh nhưng nguồn cung năng lượng bị thu hẹp, sử dụng năng lượng bền vững đã trở thành chủ đề chính của hội nghị lần này.

Hội nghị Cấp cao Năng lượng tương lai của thế giới đang diễn ra tại Abu Đabi, thủ đô của Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thế giới đang tăng nhanh nhưng nguồn cung năng lượng bị thu hẹp, sử dụng năng lượng bền vững đã trở thành chủ đề chính của hội nghị lần này.

Bài toán khó


Không thể phủ nhận vai trò tối quan trọng của năng lượng trong thế giới ngày nay, từ kinh tế, chính trị đến xã hội. Không chỉ là đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lượng còn tác động đáng kể đến tình hình an ninh, chính trị của toàn thế giới. Trung Đông luôn nóng như một chảo lửa cũng bởi vì khu vực này là nơi cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Chỉ cần Iran cảnh báo đóng cửa Eo biển Hormuz, nơi lưu thông 1/5 dầu mỏ toàn cầu, giá dầu thế giới đã tăng vọt. Hàng loạt cuộc chiến tranh, nguyên nhân cuối cùng cũng là tranh giành quyền kiểm soát "vàng đen" này.

Tuy nhiên, trong khi năng lượng đã trở thành một yếu tố không thể tách rời khỏi cuộc sống của con người, nhân loại phải đối mặt với một thực trạng đáng báo động, các nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần do nạn khai thác và sử dụng bừa bãi. Các quốc gia phát triển thực hiện các siêu dự án khai thác nhiên liệu từ lòng đất và các nhà máy lớn của những quốc gia này liên tục thải hàng tấn khí độc hại vào môi trường, khiến Trái Đất ngày một nóng dần…

2825b7a7d_dien.jpg

Một nhà máy điện Mặt trời tại San Francisco


Trong khi đó, tại những quốc gia kém phát triển, hàng tỷ người không đủ nhiên liệu để sử dụng, phải sống trong đêm tối, đối mặt với bệnh tật, đói rét và thất học. Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 3 tỷ người trên thế giới vẫn phải sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống (củi, than củi) và 1/5 dân số thế giới không có cơ hội tiếp cận với các nguồn năng lượng hiện đại. Không chỉ như vậy, chính người nghèo là những đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ các thảm họa thiên nhiên đang xuất hiện ngày càng nhiều kể từ khi nhiệt độ Trái Đất nóng lên.


Lời giải

Trong tình hình này, các nguồn năng lượng bền vững như năng lượng gió, mặt trời đang nổi lên là một giải pháp tiềm năng với ưu thế nguồn cung vô tận, hiện diện ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất và không gây ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị Abu Đabi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phát động năm 2012 là Năm năng lượng bền vững toàn diện. Mục tiêu của sáng kiến này là đảm bảo sự tiếp cận toàn cầu đối với các thiết bị năng lượng hiện đại, tăng cường tỷ lệ sử dụng năng lượng hiệu quả và sử dụng năng lượng tái sinh trên thế giới.

Trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng không tái tạo, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu tìm cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Diễn biến này đã khiến các chuyên gia dự báo cường độ sử dụng năng lượng hóa thạch sẽ giảm, trong đó cường độ sử dụng dầu mỏ sẽ giảm nhanh hơn so với các nguồn năng lượng khác.

Đức là một quốc gia đi đầu trong nỗ lực này đã tuyên bố đến năm 2050 sẽ sản xuất được hoàn toàn lượng điện năng cần thiết từ những nguồn năng lượng tái tạo. Theo số liệu chính thức, Đức đang là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất quang điện, dự kiến nước này sẽ tăng cường khai thác thêm hơn 5.000 MW để đạt tổng số 14.000 MW trong năm nay. Quốc gia Tây Âu này đồng thời cũng là nước khai thác năng lượng từ gió lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Tuy nhiên, việc tiếp cận năng lượng tái tạo không phải là vấn đề đơn giản do chi phí đầu tư cao đang là rào cản chính. Trong tình hình này, sử dụng năng lượng truyền thống một cách hiệu quả và tiết kiệm là giải pháp cấp thiết nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu hụt năng lượng, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực tới môi trường...

Năng lượng hóa thạch sẽ tiếp tục giữ vị trí thống trị trên thị trường năng lượng trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, thế giới cần phải chuẩn bị cho một tương lai không còn dầu mỏ, than đá và khí đốt. Sử dụng năng lượng bền vững đã được xác định là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu nhân loại khỏi nguy cơ cạn kiệt năng lượng. Thế nhưng, giải pháp này sẽ chỉ có hiệu quả khi nhận được sự đồng lòng, nhất trí của tất cả các chính phủ trên thế giới.

Giải được bài toán năng lượng cũng đồng nghĩa với việc cứu được Trái Đất, góp phần giúp thế giới trở nên công bằng, thịnh vượng và ổn định hơn. Điều này rõ ràng không thể là nhiệm vụ của một cộng đồng hay một quốc gia mà là nhiệm vụ chung cùa toàn nhân loại.

Cẩm Tuyến