Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:17 GMT+7

Australia và mục tiêu năng lượng phong điện

28/10/2011

Australia cần đầu tư thêm 30 tỉ AUD cho các nhà máy phong điện vào năm 2020, gấp bốn lần vốn đầu tư vào các nhà máy điện trong thập kỷ qua.

Theo Hiệp hội những người sử dụng năng lượng Australia (EUAA), để đạt được mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo lên 20% trong 10 năm tới, "Xứ sở chuột túi" cần đầu tư thêm 30 tỉ AUD cho các nhà máy phong điện vào năm 2020, gấp bốn lần vốn đầu tư vào các nhà máy điện trong thập kỷ qua.

Nghiên cứu của EUAA chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu nói trên, sản lượng phong điện của Australia sẽ phải tăng gấp sáu lần, từ 1.870 MW lên 11.800 MW. Tuy nhiên, EUAA bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo của chính phủ Australia trong bối cảnh các cộng đồng dân cư có những phản ứng mạnh do lo ngại về sự ô nhiễm tiếng ồn và mất cảnh quan của các nhà máy phong điện.

509583a55_diengio123.jpg

Ngoài ra, khoản đầu tư thêm 30 tỉ AUD còn phải được thực hiện ngay bên cạnh với việc chi 12,1 tỉ AUD cho trợ cấp của chính quyền liên bang và tiểu bang về năng lượng tái tạo được lắp đặt trong thời gian 2001-2010. Trong khi những thiết bị năng lượng tái tạo lắp đặt trong thời gian đó chủ yếu là các tấm pin mặt trời chứ không phải là những công nghệ mang lại hiệu quả hơn như phong điện.

Cùng với việc công bố Chương trình đánh thuế khí thải carbon từ 1/7/2012 nhằm giúp Australia đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chính phủ nước này cũng sẽ thành lập một Tập đoàn tài chính năng lượng sạch với số vốn hoạt động vào khoảng 10 tỉ AUD để tài trợ cho các dự án sáng tạo lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch. Mới đây, Chính phủ Australia đã yêu cầu Cơ quan điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) chuẩn bị cho việc sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn cũng như vạch ra lộ trình cho khả năng tiến tới sử dụng 100% năng lượng sạch. Đồng thời, các nhà lãnh đạo Australia cũng đặt hy vọng việc thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm và mở ra nhiều ngành công nghiệp mới cho đất nước.

Hiện Australia là một trong những nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới tính theo đầu người do chủ yếu dựa vào than đá để sản xuất điện (với tỉ lệ khoảng 75%) và ngành công nghiệp khai khoáng để xuất khẩu. Giới chuyên gia cho rằng quốc gia này vẫn đang tụt hậu khá xa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo bởi đã trì hoãn các khoản đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời và gió trong nhiều năm qua, trong khi thế giới đang tiến tới việc xây dựng một nền kinh tế “xanh” với lượng khí thải carbon ít hơn.

Giữa tháng 10 vừa qua, dự luật đánh thuế khí thải cácbon của Australia đã được Hạ viện thông qua và dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn khuyến cáo các công ty không mua giấy phép thải carbon và tuyên bố sẽ hủy bỏ luật này nếu họ thắng cử vào năm 2013.

Theo Petrotimes