Thứ tư, 15/01/2025 | 21:57 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng kiểu Nhật Bản

21/08/2011

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố họ muốn quản lý bằng cách nêu gương – họ giảm sử dụng máy tính và máy photocopy trong các văn phòng, tắt cửa tự động, giảm số thang máy phục vụ và chuyển sang giờ làm việc sớm.

Tại Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo, giáo sư Keiko Tanaka giảng bài trong lớp với lượng ánh sáng điện bằng một nửa so với bình thường và cũng hạn chế sử dụng máy vi tính, máy chiếu cũng như các thiết bị sử dụng điện khác. Giờ đây bà thường dùng phấn viết lên bảng đen.

Nhưng với lưới điện trục trặc sau thảm họa sóng thần, bà tự hỏi không biết đồng bào mình có kiên quyết tiết kiệm năng lượng được đến mức như đất nước cần hay không.

“Nhật Bản là đất nước nơi các thiếu nữ 18 tuổi dùng thang máy chỉ để đi lên một tầng gác vì họ không muốn phải đổ mồ hôi,” bà nói. “Đây là nơi phần lớn bệ ngồi toilet được sưởi ấm, còn phòng vệ sinh nữ có máy tạo âm thanh để che dấu tiếng động. Người ta đã quen với những tiện nghi nhân tạo tiêu tốn nhiều điện năng.”

9c01df5da_fukushima_daiichi.jpg

Ảnh chụp nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi từ vệ tinh (nguồn: DigitalGlobe/Getty Images)


Mức tiêu thụ điện [của người dân Nhật] đang bị cắt giảm ở mức chưa từng có vì họ đã mất nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và cơ sở hạ tầng lưới điện bị thiệt hại sau trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng 3. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói trong một báo cáo hồi tháng 7 rằng Nhật Bản “đang trải qua đợt khủng hoảng thiếu năng lượng có lẽ là nghiêm trọng nhất trong lịch sử.”

Nhật Bản đang nỗ lực khôi phục cơ sở hạ tầng và tăng cường nhập khí đốt hóa lỏng (LNG) nhưng IEA cảnh báo rằng tình hình có thể sẽ còn xấu đi do xu thế phản đối năng lượng hạt nhân, nguồn năng lượng đóng góp tới một phần ba lượng điện nước này sản xuất thời kỳ trước tháng 3.

Về lâu dài, Thủ tướng Naoto Kan đã tuyên bố [Chính phủ] sẽ thúc đẩy [sử dụng] năng lượng tái sinh với mục tiêu xây 10 triệu ngôi nhà chạy bằng năng lượng mặt trời trước năm 2020, đồng thời hủy bỏ kế hoạch mở rộng các nhà máy hạt nhân đầy tham vọng trước đây. Nhưng Nhật Bản – đất nước không hề có nhiên liệu hóa thạch – phải đối mặt với một thử thách trước mắt, đó là [việc sử dụng] điều hòa nhiệt độ trong thời tiết nóng bức của tháng Bảy và Tám đã làm cho tình trạng thiếu điện đặc biệt căng thẳng. Chính phủ Nhật nói rằng người dân phải giảm tiêu thụ điện 15% trong hè này; ở Tokyo, mục tiêu là giảm 25%.

IEA nói rằng Nhật Bản sẽ rất khó đạt mục tiêu vì – ngoại trừ chuyện dùng hệ thống toilet có sưởi – nền kinh tế nước này vốn đã tiết kiệm năng lượng hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Để có thể tiết kiệm năng lượng nhiều hơn nữa, “Nhật Bản sẽ phải có những biện pháp tiết kiệm và dự trữ năng lượng vô cùng triệt để,” báo cáo của IEA kết luận.

Thắt lưng buộc bụng và cởi nút thắt

Trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng mùa hè, Nhật Bản đã đẩy mạnh chiến dịch Cool Biz mà họ đã phát động từ năm 2005. Vừa đổi tên thành Super Cool Biz, Nhật Bản vừa kêu gọi các văn phòng giữ nhiệt độ ở mức 28°C (nhiệt độ mùa hè ở Tokyo có thể vượt 30°C với độ ẩm cao). Nhân viên văn phòng được động viên thay trang phục công sở bằng quần áo kaki, dép sandal và quần ngố.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tuyên bố họ muốn quản lý bằng cách nêu gương – họ giảm sử dụng máy tính và máy photocopy trong các văn phòng, tắt cửa tự động, giảm số thang máy phục vụ và chuyển sang giờ làm việc sớm.

Nhưng một số người ủng hộ tiết kiệm năng lượng đang cảm thấy mệt mỏi. Taro Kono, một thành viên Hạ viện, nói rằng ông đã cố gắng khuyến khích chế độ làm việc từ xa nhưng nỗ lực của ông đã không đạt kết quả như mong đợi vì nhiều công ty vẫn không muốn từ bỏ khả năng quan sát trực tiếp nhân viên của mình làm việc.

Theo cơ sở dữ liệu EarthTrends nổi tiếng của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP của Nhật Bản thấp hơn 20% so với mức trung bình thế giới và thấp hơn 30% so với nước Mỹ. Cơ quan Tài nguyên Thiên nhiên và Năng lượng (ANRE) của Nhật Bản thì ước tính rằng nước Nhật đã tăng hiệu suất sử dụng năng lượng 37% trong vòng 30 năm qua.

IEA, trong báo cáo mang tên "Khẩn trương tiết kiệm điện,” nói rằng vẫn chưa rõ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật chấp nhận tự nguyện cắt giảm mức tiêu thụ điện thêm bao nhiêu nữa. Cơ quan này giải thích rằng nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng ở các công ty này đòi hỏi họ phải chuyển giờ làm việc sang buổi tối hoặc cuối tuần – mà điều cần được công đoàn chấp thuận và có thể làm xáo trộn thời gian biểu của các vị phụ huynh.

e7efda525_tomohiro_ohsumi.jpg

Pin năng lượng mặt trời như loại lắp trên nóc trụ sở Itochu ở Tokyo có thể sẽ phổ biến hơn ở Nhật Bản nhờ kế hoạch phát triển năng lượng tái sinh đầy tham vọng của Thủ tướng Naoto Kan. Nhưng vấn đề nóng bỏng trước mắt trong mùa hè này ở Nhật là tiết kiệm năng lượng (ảnh: Bloomberg/Getty Images)


Sau sóng thần là làn sóng chống hạt nhân

Tình trạng thiếu điện ở Nhật Bản ngày càng trầm trọng vì nước này quy định các nhà máy điện hạt nhân phải được bảo dưỡng định kỳ 13 tháng một lần và quan chức trong vùng đặt nhà máy sẽ ra quyết định cuối cùng cho phép nhà máy khởi động lại. Việc tái khởi động trước đây thường được chấp thuận đều đặn nhưng nay tất cả đều bị trì hoãn kể từ thảm họa Fukushima Daiichi. Sự chần chừ này xảy ra đồng loạt tại nhiều nhà máy, cho dù động đất tới nay chỉ gây thiệt hại tới một vài nơi, hiện chỉ có 19 trên tổng số 54 lò phản ứng là đang được hoạt động.

Kyushu Electric, công ty cung cấp điện cho miền Tây Nam Nhật Bản, nhận được chút tin vui trong tháng 7 khi vị lãnh đạo địa phương chấp thuận đề nghị tái khởi động các lò phản ứng ở nhà máy Genkai của họ tại quận Saga. Các lò này ngừng hoạt động từ mùa đông vừa rồi để bảo dưỡng. Lựa chọn cuối cùng vẫn nằm trong tay ngài thống đốc quận, ông Yasushi Furukawa.

Các chuyên gia về năng lượng cho rằng nếu ông Furukawa phủ quyết đề nghị tái khởi động thì các quan chức khác cũng sẽ làm theo và tạo ra một phản ứng dây chuyền có thể sẽ làm tê liệt các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật trong một năm.

Bộ trưởng bộ Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda đã phải trấn an người dân về độ an toàn của các lò phản ứng bằng cách cam kết rằng chính phủ sẽ kiểm tra tất cả các nhà máy.

Bình minh cho năng lượng tái sinh

Còn phải chờ xem việc kiểm tra độ an toàn trong những tuần sắp tới có trấn an được người dân Nhật Bản về khả năng chống chịu động đất và sóng thần hay không, nhưng rõ ràng là những người bất đồng chính kiến có thể công kích dựa trên thảm họa Fukushima và cổ vũ việc mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Họ lập luận rằng nước Nhật giàu tài nguyên địa nhiệt – với gần 200 núi lửa và khoảng 28.000 suối nước nóng – và có thể cung cấp hơn 80.000 megawatt điện, đủ đáp ứng một nửa nhu cầu của cả nước. Thêm vào đó, một nghiên cứu được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia [Nhật Bản] công bố hồi năm 2009 ước tính rằng nguồn năng lượng gió trong đất liền của nước này đủ để cung cấp một nửa mức tiêu thụ còn lại.

Nhật Bản đang quyết liệt tìm cách nâng cấp tiềm năng điện mặt trời của mình – đây là động thái của Thủ tướng Kan trước khi ông này thoát hiểm trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi đầu tháng Bảy. Nước này đã đặt mục tiêu tăng sản lượng quang điện, chủ yếu là từ loại pin tấm lắp trên mái nhà, từ 3.500 megawatt năm 2010 lên 53.000 megawatt vào năm 2030. Xa hơn cái đích cung cấp điện cho 10 triệu ngôi nhà vào năm 2020 của ông Kan, điện mặt trời [ở Nhật] sẽ đủ cung cấp cho 18 triệu gia đình vào năm 2030.

Masayoshi Son, người sáng lập Softbank Mobile và là người giàu nhất nước Nhật, đã thu hút được sự quan tâm đáng kể tới dự án mở một quỹ nghiên cứu cho năng lượng tái sinh, với phần lớn ngân sách là từ tiền túi của ông. Tới nay, 35 trong tổng số 47 quận trưởng của Nhật Bản đã đăng ký làm thành viên sáng lập.

“Rõ ràng là có nhiều phương tiện để thực hiện việc này,” Andrew DeWit, một giáo sư về tài chính công chuyên nghiên cứu tình hình năng lượng ở Đại học Rikkyo (Tokyo), nói. “Nghe có vẻ lạc quan hóa nhưng tôi thực sự nghĩ rằng Nhật Bản, với tất cả nhu cầu về năng lượng tái sinh như hiện nay, chỉ sau một tới hai năm nữa có thể sẽ chứng kiến một sự chuyển mình đáng kinh ngạc trong triển khai tăng cường khả năng cung cấp năng lượng tái sinh.”

Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng các nhà cung cấp điện hạt nhân Nhật Bản sẽ không dễ dàng từ bỏ nguồn năng lượng này. “Có đủ các luận điệu trái chiều – các trang trại gió quá ồn, chúng làm chết chim chóc và vân vân,” ông nói. “Ngành kinh tế năng lượng của đất nước này sẽ được quyết định trong vòng vài tháng nữa… Với tôi, yếu tố quyết định sẽ là mức nóng bức của mùa hè và mức độ nghiêm trọng của tình hình sự cố hạt nhân.”

Trong khi tương lai của ngành năng lượng Nhật Bản còn đang là câu hỏi thì mối bận tâm của phần lớn người dân lúc này là cắt giảm tiêu dùng điện. Kazuto Tsuchiya, một sinh viên ở Đại học Nam California đang nghỉ hè cùng gia đình ở miền trung nước Nhật, nói rằng họ hàng anh đã bỏ ý định mua máy điều hòa nhiệt độ.

“Chúng tôi sẽ chịu đựng cái nóng với quạt giấy và quạt gấp,” anh nói. Tsuchiya cho rằng đồng bào anh không chống đối việc tiết kiệm nhưng cũng chẳng mặn mà gì với nó.

“Có vẻ như mọi người nghĩ rằng đây là chuyện “sho ga nai”, trong tiếng Nhật nghĩa là ‘còn cách nào đâu, phải chấp nhận thôi’,” anh nói.

Hoàng Minh (theo National Geographic)