Thứ sáu, 01/11/2024 | 16:35 GMT+7

Tiết kiệm điện với chiến dịch "Công sở siêu mát"

06/08/2011

Chiến dịch “Công sở siêu mát” do Bộ Môi trường Nhật Bản phát động từ ngày 1/6 khuyến khích nhân viên công sở mặc quần áo thoáng mát để có thể điều chỉnh nhiệt độ trong phòng làm việc lên 280C trong suốt mùa hè

Trong mùa hè oi bức này, chính phủ Nhật Bản đã khởi động một chiến dịch mang tên "Công sở siêu mát", trong đó khuyến khích nhân viên công sở mặc quần áo thoáng mát đi làm để tiết kiệm điện. Chiến dịch được phát động trong bối cảnh Nhật Bản có nguy cơ thiếu điện sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

40e61a857_sieu_mat.jpg

Những mẫu quần áo mát mẻ của hãng Uniqlo mà viên chức có thể mặc trong chiến dịch "Công sở siêu mát"

Chiến dịch “Công sở siêu mát” do Bộ Môi trường Nhật Bản phát động từ ngày 1/6 khuyến khích nhân viên công sở mặc quần áo thoáng mát để có thể điều chỉnh nhiệt độ trong phòng làm việc lên 280C trong suốt mùa hè. Dân công sở được khuyến khích mặc áo phông có cổ, áo Hawaii (một loại áo sơ mi mát), giày đế mềm và thậm chí có thể là quần bò, xăngđan trong những trường hợp nhất định. Bộ Môi trường hy vọng chiến dịch sẽ góp phần cắt giảm 15% lượng tiêu thụ điện của chính phủ Nhật Bản mùa hè này.

"Công sở siêu mát" thực tế đã được triển khai từ mùa hè năm 2005 với mục tiêu ban đầu là "Chống lại sự ấm lên toàn cầu". Lúc đầu, chiến dịch này nghe có vẻ như một ý tưởng điên rồ khi dân công sở Nhật Bản lúc nào cũng chỉn chu trong bộ complê tối màu. Nhưng sau một thời gian thực hiện, chiến dịch đã và đang phát huy hiệu quả hoặc ít nhất nó cũng bị phản đối ít hơn.

Tuyên bố trong một buổi trình diễn thời trang tại Tôkyô để phát động chiến dịch năm nay, Bộ trưởng Môi trường Yuriko Koibe nói: "Khi chúng tôi bắt đầu chiến dịch “Công sở siêu mát” năm 2005, nhiều người nói rằng ăn mặc như thế là không đứng đắn, luộm thuộm, nhưng đến nay đã là năm thứ 6 và mọi người trở nên thân quen hơn với chiến dịch này".

Số liệu thống kê từ Bộ Môi trường đã chứng minh lời bà Koike. Năm 2005, chỉ chưa đầy 1/3 trong số 2.000 người được hỏi cho biết, “Công sở siêu mát” đã được thực hiện ở nơi họ làm việc. Trong khi đó, năm 2007, con số này đã vọt lên 47%, và năm 2009 đã đạt 57%.

Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đưa ra những quy định hướng dẫn thực hiện về trang phục và cách ăn mặc theo chiến dịch này. Trừ áo Hawaii, các trang phục khác đều phải phù hợp với quy định khi mặc đi làm. Ví dụ, quần bò chỉ được mặc trong các trường hợp nhất định và phải là loại quần đứng đắn, áo phông có cổ phải là loại đẹp. Tất nhiên, không được mặc áo hai dây và xăngđan đi biển.

Một số nhà bán lẻ tỏ ra hồ hởi với chiến dịch này. Giám đốc điều hành hãng Uniqlo, hãng bán lẻ quần áo hàng đầu Nhật Bản, ước tính, trung bình một khách hàng sẽ chi khoảng 210 USD mua quần áo nếu tham gia chiến dịch “Công sở siêu mát”.

Trái lại, các nhà sản xuất cà vạt lại đang lo phát sốt. Năm ngoái, một nhóm các nhà sản xuất cà vạt và các nhà bán buôn đã kêu gọi Bộ trưởng Môi trường ngừng chiến dịch này. Họ than phiền rằng chính vì chiến dịch này mà tính từ năm 2005, doanh thu bán cà vạt đã giảm khoảng 35%.

"Công sở siêu mát" không chỉ liên quan đến trang phục công sở và nhiệt độ phòng làm việc mà còn có 9 đề xuất khác về thay đổi về lối sống cũng như phong cách làm việc. Một trong những đề xuất này là đẩy giờ làm việc lên sớm hơn. Ví dụ ở Tôkyô, dân công sở làm việc từ 7 giờ 30 sáng đến 4 giờ 15 chiều.

Một số người nhận định rằng "Công sở siêu mát” có thể là một xu hướng trong tương lai. Sẽ có thêm nhiều quốc gia áp dụng quy chuẩn ăn mặc như thế khi họ không "kham" nổi chi phí năng lượng làm mát văn phòng vào mùa hè cho những nhân viên mặc quần áo như trong mùa đông.

Theo Báo tin tức