Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:44 GMT+7

Ra mắt WindMade - loại nhãn sinh thái mới

31/07/2011

Nhãn sinh thái là một công cụ tiếp thị hữu hiệu dành cho các sản phẩm như sản phẩm hữu cơ, nhưng liệu chúng có thể hữu dụng như vậy đối với ngành năng lượng sạch? Suy nghĩ về điều này, ngành năng lượng gió đã đưa ra một chương trình nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này và mang lại sự tin tưởng về tính thân thiện với môi trường.

Nhãn sinh thái là một công cụ tiếp thị hữu hiệu dành cho các sản phẩm như sản phẩm hữu cơ, nhưng liệu chúng có thể hữu dụng như vậy đối với ngành năng lượng sạch? Suy nghĩ về điều này, ngành năng lượng gió đã đưa ra một chương trình nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này và mang lại sự tin tưởng về tính thân thiện với môi trường.

Đại diện cho Mỹ và các công ty toàn cầu khác, Hiệp hội thương mại phong năng đã công bố những quy định liên quan tới việc cấp nhãn sinh thái mới WindMade, hi vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn tham gia vào quy trình này. Nhãn này ghi nhận sự đầu tư của các hãng thành viên trên toàn thế giới vào lĩnh vực năng lượng gió. Cũng sẽ có một nhãn khác nữa dành cho các công ty dán lên sản phẩm của mình và cũng có những quy định riêng đi kèm theo nó.

41694dfc6_windmade.png

Luật mới sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý trong 2 tháng nữa, theo đó, các công ty sẽ phải sử dụng ít nhất 25% điện từ nguồn phong năng. Có thể đáp ứng điều này theo 3 cách: mua phong năng thông qua thỏa thuận mua bán, lắp đặt tuabin gió riêng, hoặc mua tín dụng năng lượng tái tạo từ các cánh đồng gió. Việc sử dụng điện gió của các hãng tham gia sẽ bị kiểm tra bởi bên thứ 3, toàn bộ chi phí liên quan sẽ do các công ty thành viên tự chi trả.

Ý tưởng về Windmade bắt đầu thực hiện từ năm ngoái, trong đó, hãng tuabin gió lớn nhất thế giới Vesta Wind System (Đan Mạch) là thành viên chủ chốt của dự án. Tổ chức phi lợi nhuận WindMade, cùng với tổ chức khác như Hiệp hội phong năng Hoa Kì, Hội đồng Phong năng Toàn cầu, Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới WWF đã cùng chung tay xúc tiến quá trình thực hiện dự án.

Ông Stephen Singer, giám đốc chính sách năng lượng toàn cầu của WWF nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng WindMade sẽ tạo cơ hội lớn cho các công ty tăng cường sử dụng nguồn tái tạo và hiểu rõ hơn về những điều quan trọng cần phải làm”.

Quy định chứng nhận dán nhãn WindMade sẽ được hội đồng kiểm duyệt bao gồm các công ty như Walmart, Better Place, Dong Energy thông qua. Danh sách những hãng đăng kí dán nhãn vẫn chưa được tiết lộ.

Những người thực hiện WindMade tin tưởng rằng chương trình dán nhãn này sẽ đạt được thành công lớn và là bằng chứng chứng tỏ số lượng các công ty đầu tư vào phong năng đang tăng lên. Nếu Google tham gia vào đề án này thì sẽ thật tuyệt vời, bởi Google đang là nhà đầu tư lớn vào các nhà máy phong năng và là sự đảm bảo cho nhà chức trách đồng ý mua bán phong năng theo hình thức bán buôn.

Bên cạnh nhãn phong năng, nhóm các nhà kinh doanh trong lĩnh vực phong năng đang nghĩ tới việc giới thiệu các loại nhãn chứng nhận cho các công ty sử dụng điện từ nhiều nguồn tái tạo. Họ cũng đang thực hiện loại nhãn dán trên các sản phẩm bán lẻ, tuy nhiên, việc đưa ra các quy định về nhãn này sẽ khó khăn hơn bởi các vấn đề như ảnh hưởng của carbon trong quá trình sản xuất của các nhà cung cấp vật liệu.

Lê My (theo reuters)