Thứ bảy, 23/11/2024 | 04:04 GMT+7

Cơ chế triển khai chính sách tiết kiệm năng lượng tại Pháp

22/07/2011

Tại Pháp, tòa nhà là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất chiếm 42,5 % năng lượng thành phẩm được tiêu thụ và thải ra 23 % khí gây hiệu ứng nhà kính tính trên qui mô cả nước. Pháp đặt ra mục tiêu tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Tại Pháp, chính sách hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo có bốn mục tiêu chính là bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng, đấu tranh chống thay đổi khí hậu, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua tiết kiệm năng lượng và cuối cùng là tạo công ăn việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và năng lượng tái tạo.

150428562_phap_1.jpg

Để đạt được các mục tiêu đó, Chính phủ Pháp đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau như hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phát triển đối với mô hình nhà sử dụng năng lượng tích cực, khuyến khích các loại xe sử dụng hiệu quả năng lượng hay các loại công nghệ sinh thái; tuyên truyền cho các cơ quan chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng sử dụng hiệu quả năng lượng  thông qua các chiến dịch thông tin đại chúng, thành lập điểm cung cấp Thông tin Năng lượng và khuyến khích các cách làm hay; áp dụng luật và qui định, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và các phương tiện giao thông. Về cơ chế tài chính, Pháp khuyến khích tài chính thông qua điều chỉnh biểu giá mua lại điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, miễn giảm thuế, hỗ trợ cho các hoạt động thí điểm.

Khu vực tòa nhà

Tại Pháp, tòa nhà là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất chiếm 42,5 % năng lượng thành phẩm được tiêu thụ và thải ra 23 % khí gây hiệu ứng nhà kính tính trên qui mô cả nước. Pháp đặt ra mục tiêu tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn từ nay tới năm 2020.

fe574c6bc_phap_2.jpg

Đối với các công trình xây mới, Pháp qui định phải giảm lượng năng lượng tiêu thụ 15 % trong thời gian từ năm 2000 tới 2005. Một qui định khác liên quan tới hoạt động cải tạo nâng cấp lớn đối với các tòa nhà cũ và việc cấm sử dụng các thiết bị có hiệu suất thấp trong các tòa nhà cũng đã được thông qua trong năm 2007. Giờ đây, đánh giá hiện trạng hiệu suất năng lượng là một qui định bắt buộc đối với các hoạt động bán và cho thuê nhà. Nếu chọn các thiết bị có hiệu quả năng lượng cao, người sử dụng sẽ được khấu trừ thuế ở mức tương đương với 25 % tới 40 % chi phí thiết bị và được khấu trừ ở mức 50% nếu mua các thiết bị chạy bằng năng lượng tái tạo.

Lĩnh vực giao thông

Mức độ tiêu thụ năng lượng trong giao thông tăng một cách đều đặn và 80% khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực này là do giao thông đường bộ
gây ra. Năm 2006, nhiên liệu sinh học chiếm tỷ trọng 1,77 % trên tổng lượng nhiên liệu được sử dụng. Theo một quyết định của Liên minh châu Âu, tỷ trọng này phải đạt mức 5,75 % vào năm 2008, 7 % vào năm 2010 và 10 % vào năm 2015.

Công nghiệp

Công nghiệp thải ra khoảng 20 % lượng khí CO2. Lượng khí phát thải trên đã giảm 21,6 % trong thời gian từ 1990 tới 2004, đặc biệt thông qua một Kế hoạch quốc gia về phân bổ hạn ngạch phát thải CO2. Trong giai đoạn 2008-2012, lượng hạn ngạch sẽ giảm từ 150 xuống còn 133 triệu tấn mỗi năm. Đây là hạn ngạch của 1145 cơ sở công nghiệp chiếm khoảng 80 % lượng khí phát thải của khu vực công nghiệp.


Đến 2012, mục tiêu đặt ra của Pháp là tiết kiệm 2 triệu TQD thông qua các hoạt động phát huy tiện ích công nghiệp hiện tương đương với 7 triệu TQD. Để đạt được mục tiêu này, cần sử dụng các kỹ thuật hiện đại nhất về năng lượng, trong đó có cả các loại công nghệ mới như công nghệ thu gom và trữ khí CO2 hay việc sử dụng các loại năng lượng không các-bon, dưới hình thức năng lượng tái tạo hay pin nhiên liệu. Các cách làm hay có thể được nhân rộng trong các doanh nghiệp hay cácngành công nghiệp vừa và nhỏ

Năng lượng tái tạo


Trong nhiều năm, sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Pháp gặp khó khăn do cơ chế quản lý năng lượng, với mô hình độc quyền Nhà nước. Nhờ vào mở cửa thị trường năng lượng ở cấp châu Âu, các loại năng lượng tái tạo đã tìm được vị trí của mình và ngày càng có điều kiện phát triển nhanh.

Trong lĩnh vực năng lượng gió, công suất tăng gấp 10 lần trong thời gian từ 2002 tới 2006 (từ 151 lên tới 1 602 MW). Đối với pin quang điện mặt trời, công suất đặt tăng 2,6 lần (từ 17,2 lên tới 44 MW). Diện tích các tấm thu nhiệt năng lượng mặt trời được lắp đặt tăng 1,8 (từ 658 000 m2 lên tới 1 160 000 m2). Cuối cùng, ngành sản xuất gỗ làm nhiên liệu cung cấp năng lượng là ngành sản xuất và tiêu thụ hàng đầu năng lượng tái tạo ở Pháp.

Đặc biệt, để triển khai chính sách tiết kiệm năng lượng Pháp đã xây dựng được hệ thống truyền thông được phân cấp tới 26 cơ quan đại diện cấp vùng. Pháp có đến 200 điểm Thông tin Năng lượng do 350 chuyêngia tư vấn phụ trách, với hơn một triệu lượt người được thông tin mỗi năm. Trung tâm thông tin điện thoại đã  nhận 100 000 cuộc gọi năm 2007, và web site www.ademe.fr, đã thống kê được hơn 14 triệu lượt truy cập hàng năm. Chiến dịch truyền thông sâu rộng, liên tục trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm này đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với các đối tượng tiếp nhận thông tin.

Trần Liễu