Thứ bảy, 23/11/2024 | 06:55 GMT+7

Trình 3 phương án tăng trưởng điện

05/07/2011

Quy hoạch điện VII (2011-2020) vừa được Bộ Công Thương hoàn tất trình Thủ tướng. Để phát triển điện theo quy hoạch này, Việt Nam cần khoảng 124 tỷ USD trong 20 năm tới, mỗi năm cần 6,8 tỷ USD.

Quy hoạch điện VII (2011-2020) vừa được Bộ Công Thương hoàn tất trình Thủ tướng. Đáng chú ý là cả 3 phương án phát triển điện đưa ra đều dự báo tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ tiếp tục gấp 2-3 lần tốc độ tăng GDP trong 5 năm tới.

Theo tờ trình gửi Thủ tướng về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng điện theo 3 phương án.

dien1.7.jpg

Trong đó, ở phương án phụ tải thấp tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế GDP chậm, tăng trưởng điện sản xuất bình quân là 13%/năm trong giai đoạn 2011-2015, tăng 8,9%/năm giai đoạn 2016-2020. 5 năm kế tiếp, nhịp tăng sản xuất điện chững lại là 7,0% và tới giai đoạn 2026- 2030, điện chỉ tăng 7%/năm.

Ở phương án phụ tải cơ sở, bộ này dự báo 5 năm tới, điện tăng 14,6%, nghĩa là sẽ gấp khoảng gần 3 lần so với mức GDP hiện nay. 5 năm tiếp theo, sản xuất điện bình quân tăng 11,1%. Từ năm 2021 trở đi, điện sẽ tăng trưởng dưới 10%/năm với mức 8,2%/năm  cho đến năm 2025 và mức 7,8% cho đến năm 2030.

Đối với phương án phụ tải cao, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng tới 16,1%/năm giai đoạn 2011-2015. Sau đó, nhịp phụ tải sẽ giảm dần chỉ còn 11,4%/năm, 9,2%/năm và 8,7%/năm cho các giai đoạn 5 năm trong khoảng thời gian từ năm 2016- 2030.

Theo ba phương án này, tới năm 2015, hệ thống điện quốc gia sẽ sản lượng khoảng gấp đôi cho với quy mô sản lượng điện năm nay. Nếu phụ tải tăng thấp, sản lượng hệ thống vào khoảng 183,962 tỷ kWh, nếu phụ tải tăng cao, sản lượng tới 210,852 tỷ kWh và theo kịch bản trung bình, sản lượng điện của hệ thống đạt 194,304 tỷ kWh.

Bộ Công Thương cho biết, trên thực tế, giai đoạn 2011-2015, các dự án nguồn điện theo Quy hoạch VII được tập trung xây dựng đưa vào vận hành chủ yếu chính là các dự án bị chậm tiến độ ở Quy hoạch VI "rớt" lại. Sau đó, các nguồn điện sẽ được phát triển theo tiêu chí chi phí tối thiểu. Một số dự án nhiệt điện lớn sẽ phát triển theo hình thức IPP, BOT.

Với một số Trung tâm nhiệt điện ra đời, từ năm 2020, Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh nhiệt điện than để cân đối cung cầu cho cả 3 miền, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bắt đầu đi vào vận hành tổ máy số 1, công suất 1.000M. Tổng công suất toàn hệ thống tăng thêm là 28.600MW, gấp đôi mức hiện nay.

Tuy nhiên, vị trí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chiếm ưu thế chi phối thị trường điện trong 10 năm tới. Hiện nay, tỷ trọng nguồn điện của EVN là hơn 55% song đến năm 2020, tỷ trọng nguồn của EVN chỉ giảm 5%, vẫn chiếm 1/2 nguồn cung ứng điện cho cả nước. Trong khi đó, theo lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, tới năm 2020, thị trường phát điện cạnh tranh đã vận hành được 10 năm bắt đầu từ 1/7 tới, thị trường bán buôn điện cạnh tranh đã hình thành.

Để phát triển điện theo quy hoạch này, Việt Nam cần khoảng 124 tỷ USD trong 20 năm tới, mỗi năm cần 6,8 tỷ USD.

Theo VEF.VN