Thứ bảy, 02/11/2024 | 01:27 GMT+7

Phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2018

03/03/2018

Sáng 03/3/2018, tại Hà Nội đã chính thức diễn ra Lễ phát động Giờ Trái đất 2018 với chủ đề xuyên suốt là "Go more greeen" (Hôm nay tôi sống xanh hơn).

Sáng 03/3/2018, tại Hà Nội đã chính thức diễn ra Lễ phát động Giờ Trái đất 2018 với chủ đề xuyên suốt là "Go more greeen" (Hôm nay tôi sống xanh hơn).

Chiến dịch giờ Trái Đất 2018 tại Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là nhà tài trợ đồng hành chính của Chiến dịch 10 năm liên tiếp.

Việt Nam tham gia Giờ Trái Đất từ năm 2009. Đây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng, là mối lo ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình của chúng ta năm đã tăng khoảng 0,7°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3°C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn, đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200 km đường bộ bị xóa sổ..

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách về phòng tránh thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

 

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết toàn thể CBCNV EVN sẽ tích cực hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2018 bằng nhiều hoạt động thiết thực

 

Mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên các nguồn lực để phát triển đất nước, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021 - 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Các Đại biểu khách mời và đại sứ chính thức chạm tay phát động chiến dịch Giờ Trái Đất năm 2018.

Góp cùng những nỗ lực đó, Bộ Công Thương đã chủ động tham gia và thực hiện nhiều Chương trình, chính sách về Tiết kiệm năng lượng; Ứng phó Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững. Chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã đồng loạt cam kết và có hành động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Sau chiến dịch Giờ trái đất, hiệu ứng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường còn kéo dài lan tỏa suốt cả năm. 

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong một giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch năm 2017, Hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng. 

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Lâm Giang tặng hoa cho 4 Đại sứ của chương trình: Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, diễn viên Việt Anh, và MC, Á hậu Thụy Vân, ca sỹ Bảo Trâm. Ảnh: Khắc Kiên

Các đại sứ của chiến dịch giao lưu với khán giả.

Nối tiếp thành công và kết quả tích cực của Chiến dịch Giờ trái đất các năm qua, Bộ Công Thương chính thức phát động Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 với chủ đề "Go more greeen" (Hôm nay tôi sống xanh hơn). Phát biểu tại Lễ phát động, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp cùng góp sức trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Hãy thể hiện sự cam kết của mình bằng một hành động đơn giản là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong Giờ Trái đất, từ 20h30 đến 21h30 ngày 24 tháng 3 năm 2018. 

Ca sỹ Soobin Hoàng Sơn - đại sứ Giờ Trái đất 2018

Việc tắt bớt các thiết bị chiếu sáng trong sự kiện Giờ Trái Đất không chỉ nhắc nhở chúng ta về vấn đề tiết kiệm năng lượng mà còn hướng đến một mục tiêu quan trọng nữa, đó là việc chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến hiệu quả to lớn, mỗi người góp một hành động sẽ đem đến một hành tinh xanh.

Hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia trình diễn Flashmob trong lễ phát động. Ảnh VGP Toàn Thắng

Trong gần 1 tháng, nhiều hoạt động trong Chiến dịch sẽ được tổ như: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học. Chiến dịch năm nay nhằm kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức tại Việt Nam tham gia các hoạt động tiết kiệm năng lượng, đơn giản nhất là tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ diễn ra sự kiện Giờ Trái đất và sau đó là hành động hưởng ứng xa hơn nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo thông thông tin ghi nhận, ở thời điểm bắt đầu với Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2009, nước ta chỉ có 6 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, nhưng đến nay, sự kiện này đã nhận được sự hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố, với sự hưởng ứng sâu rộng của các tổ chức, các doanh nghiệp, đặc biệt là người dân, các phương tiện truyền thông. Vào năm 2017, trong 1 giờ hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất, hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 KWh. 

Xếp chữ 60+ tại lễ phát động chiến dịch Giờ Trái đất 2018