Thứ ba, 24/12/2024 | 02:38 GMT+7
Theo ngài Andy Ridley, Giám đốc và là người sáng lập Chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu cho biết: "Giờ Trái đất không phải chỉ dừng lại ở hành động tắt đèn, mà đây là chiến dịch trong đó tất cả mọi người trên thế giới cùng nhau đoàn kết và thể hiện họ có thể làm gì trong suốt cả năm để bảo vệ hành tinh”.
Thông điệp Giờ trái đất 2015
Bắt đầu vào 2004, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (WWF) của Australia tìm kiếm phương pháp truyền thông và tiếp cận mới để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hoạt động tuyên truyền sau khi đối diện với hàng loạt các dữ liệu khoa học về hiện tượng này. Chiến dịch dựa trên nền tảng hy vọng rằng mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với tương lai của trái đất nơi chúng ta đang sinh sống. Sang năm 2005, WWF Australia và Leo Burnett Sydney bắt đầu xây dựng một ý tưởng tắt điện ở qui mô lớn, dự án có tên gọi “Tiếng Tắt Lớn”.
Đến năm 2006, nhà quảng cáo Leo Burnett được giao một nhiệm vụ khó khăn: Đặt tên cho chiến dịch, tên gọi đó không chỉ đại diện cho hành động tắt đèn đơn thuần - từ đó tên "Giờ Trái đất" ra đời và kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp tắt điện một tiếng đồng hồ vào tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 hàng năm. Tên gọi Giờ Trái đất giúp chiến dịch mở rộng từ mục tiêu kêu gọi mọi người tắt đèn và các thiết bị sử dụng điện sang mục tiêu có tính bền vững, lâu dài hơn.
Ngày 31/3/2007, Lễ khai mạc sự kiện Giờ Trái đất được tổ chức tại Sydney, Australia với sự tham gia của 2,2 triệu người dân và 2.100 doanh nghiệp tại đây, sự kiện kéo dài 1 tiếng đồng hồ từ 19h30 đến 20h30.
Trong thời điểm này, Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đưa ra báo cáo nhấn mạnh các rủi ro khi nhiệt độ tăng, và những giải pháp cấp bách môi trường. IPCC đánh giá và đưa ra kết luận rằng hơn 90% tác nhân gây ra biến đổi khí hậu ngày nay là do hoạt động của con người trong đó bao gồm các khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ban đầu Chiến dịch Giờ Trái đất chỉ nằm trong kế hoạch và phạm vi quốc gia của Australia, nhưng Chiến dịch đã thực sự thu hút sự quan tâm của thế giới và các nước bắt đầu tham gia vào chiến dịch Giờ Trái đất những năm sau đó.
Ngày 29/3/2008, Chiến dịch Giờ Trái đất mở rộng được tổ chức ở 371 thành phố và thị trấn thuộc hơn 35 quốc gia trên thế giới với sự tham gia của hơn 50 triệu người.
Chỉ một năm sau đó, năm 2009, chiến dịch Giờ Trái đất đã thu hút sự tham gia của hàng trăm triệu người tại hơn 4.000 thành phố và thị trấn thuộc 88 quốc gia trên thế giới cùng hành động tắt đèn trong vòng một giờ đồng hồ để tạo ra sứ mệnh hành động rõ nét nhất về hành động trước sự biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, khởi động cho cuộc bầu chọn cho trái đất lần thứ nhất.
Đến cuối năm 2009, nhận thức của thế giới về biến đổi khí hậu được đưa lên một cấp độ chưa từng thấy trong lịch sử, khi cuộc họp của 192 quốc gia tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (COP) diễn ra tại Copenhaghen, Đan Mạch. Chiến dịch Bầu chọn trái đất lên đến cực điểm vào ngày 16/12/2009 với sự kiện Giờ Trái đất diễn ra tại Copenhaghen. Tại đây, khối cầu Tập thể được giao cho Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc – Vijay Nambiar để gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới.
Việt Nam đã chính thức tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất kể từ năm 2009; hoạt động này đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng năng lượng của người dân.
Chiến dịch Giờ Trái Đất 2015 do Bộ Công Thương chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế, Đại sứ Quán Đan Mạch tại Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam…
Với thông điệp “Tiết kiệm năng lượng - ứng phó biến đổi khí hậu”, Chiến dịch Giờ Trái Đất 2015 có hàng loạt những hoạt động như: Triển lãm ảnh với chủ đề biến đổi khí hậu, năng lượng; gian hàng các sản phẩm handmade với chủ đề “Cánh đồng gió”; các trò chơi tập thể vui nhộn, ca nhạc, xếp hình 60 …
Dự kiến nghi thức tắt đèn sẽ diễn ra từ 20g30 đến 21g30 ngày 28/03/2015 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội.
Theo Đài KTTV Ninh Thuận