Công ty CP xi măng Sài Sơn thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội là cơ sở sản xuất xi măng lò đứng đầu tiên của Việt Nam và là cơ sở sản xuất xi măng thứ hai của Việt Nam sau xi măng Hải Phòng. Ngay từ khi thành lập đơn vị này đã giữ vai trò là doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của Tp. Hà Nội.
Thường xuyên đổi mới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là tiêu thí mà ban lãnh đạo công ty luôn hướng tới. Với tiêu chí đó, từ tháng 11/1998, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng cơ giới hoá của Trung Quốc với công suất thiết kế 60.000 tấn /năm. Năm 2002, công ty đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất đồng bộ, nâng tổng công suất thiết kế của hai dây chuyền lên 120.000 tấn/năm. Hiện tại, mỗi năm nhà máy sản xuất và tiêu thụ trên 300.000 tấn xi măng các loại cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận.
Chưa dừng lại ở đó, tới đây khi nhà máy với công suất 1.000 tấn clinker/ngày tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ được đưa vào hoạt động quy mô công ty sẽ ngày càng mở rộng. Song song với sự phát triển lớn mạnh, mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả cũng được doanh nghiệp này chú ý đầu tư. Hiện tại, công ty đã thực hiện xong công tác kiểm toán năng lượng, đang trong giai đoạn cân nhắc đầu tư nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Bổng, giám đốc Công ty CP xi măng Sài Sơn cho biết, với dây chuyền trang thiết bị sản xuất hiện tại, tiêu hao điện của công ty đã giảm được 25% so với trước đây. Năm 2009, mức tiêu thụ năng lượng của toàn công ty khoảng 53 tỷ đồng trong đó điện năng chiếm phần lớn. |
Kết quả kiểm toán năng lượng tại Công ty CP xi măng Sài Sơn do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội thực hiện cho thấy, thực hiện các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng theo như các chuyên gia đề xuất, hàng năm công ty có cơ hội tiết kiệm gần 7,4 tỷ đồng. Các biện pháp tập trung vào cải tiến dây chuyền công nghệ, thay mới thiết bị nhằm giảm tiêu hao hai dạng năng lượng chính là điện năng và than.
Ông Hoàng Minh Lâm, Trưởng nhóm kiểm toán, qua đo đạc, kiểm tra thực tế dây chuyền thiết bị tại Công ty CP xi măng Sài Sơn và tìm ra các giải pháp phù hợp nhóm kiểm toán năng lượng nhận thấy giải pháp lắp biến tần cho động cơ khả quan với lợi ích tiết kiệm cao nhất. Trong số 10 giải pháp có đến 6 giải pháp đề xuất doanh nghiệp thực hiện lắp biến tần bao gồm tại các khu vực như động cơ máy bơm, quạt phân ly, quạt hút. Đó là đều là các khu vực tiêu tốn nhiều điện năng, vì vậy thực hiện giải pháp năng lượng có thể đem đến tiềm năng giảm chi phí rất lớn.
Kết quả kiểm toán cho thấy tiềm năng TKNL tại doanh nghiệp rất cao. Mỗi năm công ty có thể tiết kiệm thêm được khoảng 7,4 tỷ đồng (Tiết kiệm 13,6% điện năng và 8,5% nhiên liệu tiêu thụ than của toàn nhà máy) tương đương mức năng lượng tiết kiệm quy đổi về TOE là 1,7 nghìn tấn. Tổng chi phí đầu tư ban đầu cần khoảng 13,6 tỷ đồng. Ông Hoàng Minh Lâm, chuyên viên Trung tâm TKNL Hà Nội |
Nhìn chung đầu tư các giải pháp lắp biến tần đều có thời gian hoàn vốn ngắn (dưới 1 năm). Chẳng hạn thực hiện lắp biến tần cho quạt hút khói bộ phận lò 1 doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được 206 Kwh tức giảm chi phí khoẳng 230 triệu với mức đầu tư chỉ 180 triệu, thời gian hoàn vốn là 8 tháng. Tương tự, nếu lắp biến tần cho quạt hút, đẩy mức đầu tư cần thiết là 125 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được 130 triệu, thời gian hoàn vốn khoảng 1 năm.
Đáng chú ý nhất là giải pháp tối ưu hóa quá trình sản xuất và nâng cao hệ thống điều khiển. Theo như các chuyên gia phân tích thì công nghệ xi măng lò đứng hiện tại của Công ty CP xi măng Sài Sơn đang sử dụng đã lạc hậu. Mặc dù trong những năm qua nhà máy đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến kỹ thuật, điều hành phương thức sản xuất linh hoạt giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải ra môi trường song những biện pháp đó vẫn không thể vượt qua những hạn chế về mặt công nghệ.
Với giải pháp tối ưu hóa dây truyền sản xuất, cải tạo nâng cấp thiết bị - công nghệ và lắp đặt hệ thống điều khiển nhà máy sẽ giảm được cường độ tiêu thụ năng lượng, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sản lượng. Giải pháp không thay đổi công nghệ lò đứng hiện tại của nhà máy, vẫn giữ nguyên hệ thống thiết bị mà từng bước cải tạo, nâng cấp công nghệ trên cơ sở áp dụng các thành tựu mới về công nghệ lò đứng cải tiến.
Qua phân tích bước đầu, giải pháp nêu trên sẽ giúp giảm tiêu hao khoảng 1,5 triệu Kwh điện năng và trên 3 nghìn tấn than mỗi năm. Ứng với giá thành đang áp dụng, mỗi năm nhà máy sẽ tiết kiệm được trên 4,1 tỷ đồng với thời gian hoàn vốn là 3,2 năm.
Ngoài ra các giải pháp như tránh sản xuất giờ cao điểm, cải tạo hệ thống chiếu sáng vừa dễ thực hiện mà lợi ích lớn, doanh nghiệp cũng nên xem xét thực hiện ngay.
Trong giai đoạn sản xuất đang gặp nhiều khó khăn do giá điện tăng cao như hiện nay, Công ty CP xi măng Sài Sơn đã có những biện pháp rất tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc và chiến lược đúng đắn của Ban giám đốc Công ty.
Trần Linh