Doanh nghiệp tư nhân Đông Thành (Tân Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) chuyên sản xuất nước đá viên và đá cây với quy mô nhỏ song hàng năm mức tiêu thụ điện năng cũng trên 1 tỷ đồng. Thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng doanh nghiệp có thể tiết kiệm 170 triệu đồng/năm, giảm phát thải trên 77 tấn CO2 ra môi trường.
Với đặc thù là cơ sở làm đông đá nên năng lượng tiêu thụ tại doanh nghiệp chỉ là điện năng trong đó điện tiêu thụ khu vực làm đá chiếm tỉ lệ lớn khoảng 99,8%, hệ thống chiếu sáng khoảng chiếm tỷ lệ nhỏ do ban ngày tận dụng ánh sáng tự nhiên. Tuy vậy, áp dụng thiết bị tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm trên 700 ngàn đồng mỗi năm. Cụ thể, với 15 bộ đèn huỳnh quang T10-50W chấn lưu điện từ đang hoạt động, thay bằng bóng T8 –36W chấn lưu điện tử, mỗi năm doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 770 Kwh, giảm phát thải 0,3 tấn phát thải CO2.
Đối với xưởng sản xuất đá đông, việc cách nhiệt giữ lạnh có vai trò quan trọng góp phần rút ngắn thời gian làm đông đồng thời giảm tổn thất điện năng. Tại doanh nghiệp Đông Thành bề mặt hầm đá chỉ được cách nhiệt bằng các tấm cao su, nhiệt độ bề mặt hầm đá khỏang 17 0C. Điều này gây thất thoát nhiệt ra bề mặt bên ngoài rất lớn, làm tăng thơi gian đông đá và làm cho đá mau tan từ đó tăng điện năng tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, nếu cách nhiệt tốt cho hầm đá thời gian đông đá sẽ giảm xuống đáng kể đặc biệt trong thời gian ngừng máy vào giờ cao điểm sẽ tránh tình trạng đá bị teo lại. Giải pháp cách nhiệt bề mặt hầm đá bằng các tấm mốp với kích thước mỗi tấm phù hợp với kích thước 1 dãy khuôn đá sẽ giúp tiết kiệm trên 23 nghìn Kwh/năm tương đương khoảng 22 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các đường ống gas lạnh và bình trung gian mặc dù đã được bọc bảo ôn, nhưng do bề dày tấm cách nhiệt quá mỏng nên nhiệt độ bề mặt còn khá thấp khoảng 8 0C – 10 0C. Bọc thêm lớp bọc bảo ôn cho các đường ống gas lạnh và bình trung gian, với độ dày khoảng 50mm sẽ tránh thất thóat nhiệt ra môi trường, giảm tiêu hao năng lượng cho máy nén lạnh.
Hiện tại khu đá cây của xí nghiệp sử dụng 2 máy nén công suất 132kW và110kW. Các tổ máy này đều đã cũ, hiệu suất động cơ thấp. Thực hiện thay động cơ máy nén 110 kW bằng động cơ hiệu suất cao công suất 90 kW, hiệu suất 95.8% đồng thời vệ sinh thường xuyên, tăng cường bảo dưỡng có thể giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện năng trên 50 nghìn Kwh tức tiết kiệm chi phí khoảng 47 triệu đồng. Giải pháp cần vốn đầu tư 103 triệu đồng, dự kiến sau 26 tháng có thể thu hồi vốn.
Đặc biệt, các giải pháp đơn giản như tăng cường vệ sinh cho dàn ngưng và máy nén hay lắp hệ thống lọc cận cho bể muối, vệ sinh khuôn đá cũng đem lại mức tiết kiệm chi phí rất lớn. Trong đó, tiến hành bảo trì, bảo dưởng máy nén và vệ sinh định kỳ giàn ngưng máy nén có tiềm năng tiết kiệm 30 triệu đồng/năm, thời gian hoàn vốn sau 6 tháng. Giải pháp lắp dàn lọc nước muối, vệ sinh khuôn, đảm bảo nồng độ muối có thể giảm chi phí khoảng 60 triệu đồng, thời gian hoàn vốn 16 tháng.
Trao đổi về kế hoạch thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất, ông Lê Ngọc Thành, chủ doanh nghiệp cho biết, sắp tới ngoài việc xem xét tiến hành triển khai các giải pháp kỹ thuật, cải tiến công nghệ nhằm giảm tiêu thụ điện năng, tăng năng suất, trước tiên công ty sẽ triển khai sớm việc quản lý năng lượng. Theo đó, công ty dự kiến sẽ lắp thêm 2 công tơ điện cho 2 dây chuyền sản xuất đá cây và đá viên và lắp điện kế riêng cho từng máy nén để thuận tiện hơn cho việc đánh giá mức tiêu thụ cụ thể.