[In trang]
Vừa tiết kiệm, vừa sạch môi trường
Thứ tư, 06/10/2010 - 00:03
Kỹ sư Nguyễn Đình Phương, cán bộ Phòng Kỹ thuật - Chất lượng, Công ty CP que hàn điện Việt Đức đã nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng công nghệ và đưa vào sản xuất thành công nhiều sản phẩm que hàn từ nguyên liệu phế thải, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, lại góp phần giảm thải ra môi trường.

Sản phẩm thành công đầu tiên của kỹ sư Phương là thay thế huỳnh thạch Trung Quốc bằng huỳnh thạch Việt Nam trong phối liệu E7018 để sản xuất que hàn E7018 F3,2, thuốc bọc phế phẩm sau ép (J420 và J421) và thay thế toàn bộ Ilmenít thiêu nhập ngoại bằng Ilmenít thiêu sản xuất trong nước để sản xuất que hàn J420 đảm bảo chất lượng sản phẩm và chủ động nguyên liệu để sản xuất.

 

Trong quá trình sản xuất que hàn, đặc biệt là khu vực sản xuất thuốc bọc, chất thải rắn (do rơi vãi trong quá trình nghiền nguyên liệu, sàng, cân trộn phối liệu... ở dạng bụi phát tán) không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người lao động mà còn gây lãng phí nếu không có biện pháp thu gom, tái chế để trở thành nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trước đây thuốc bọc và bụi thu gom trên, công ty phải đổ ra bãi rác.


Que han lilama.JPG


Cuối năm 2005, anh Phương đề nghị với công ty cho thu hồi các loại thuốc bọc rơi vãi này và tiến hành nghiên cứu một phối liệu mới phù hợp để sản xuất một số loại que hàn. Từ đó, anh đã tiến hành nghiên cứu phối liệu trên cơ sở cơ bản là thuốc bọc thu hồi và bổ sung một số nguyên liệu cần thiết để đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật mà sản phẩm yêu cầu.

 

Với những kiến thức đã có, cùng với kinh nghiệm trên 10 năm gắn bó với nghề, sau 3 tháng nghiên cứu, thử nghiệm, anh Phương đã xây dựng được quy trình tái chế các vật liệu phế thải trên thành nguyên liệu thuốc bọc que hàn để sản xuất que hàn N38 - VD và N45 - VD, hàn thép có độ bền trung bình 430-500 N/mm2 đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất của công ty (sản phẩm que hàn N45 của công ty đã được Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quacert cấp chứng nhận).

 

Trong đó, việc xử lý các thành phần kim loại có trong thuốc bọc đã bị ôxy hóa trong thời gian ở trạng thái phế liệu là công đoạn cần thiết để đáp ứng với phẩm cấp tiêu chuẩn của nguyên liệu. Nhờ sử dụng nguyên liệu từ phế thải thay thế nguyên liệu mới nên giá thành sản phẩm đã giảm đáng kể, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Đồng thời, việc tái sử dụng các chất liệu phế thải đã góp phần giảm thiểu được các chất thải rắn ra môi trường, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

 

Cũng do áp dụng giải pháp này, Công ty đã chủ động được một phần nguyên liệu vào sản xuất. Hơn một năm áp dụng giải pháp trên, phân xưởng sản xuất que hàn đã tiêu thụ được 57,7 tấn thuốc bọc để sản xuất que hàn N38 và N45; hiệu quả kinh tế thấy được rõ rệt: Chênh lệch 1 tấn thuốc bọc giữa nguyên liệu chính phẩm và nguyên liệu do tái chế vật liệu phế thải là 2.345.000 đồng. Trong phối liệu để sản xuất que hàn N45 - VD và N38 - VD sử dụng đến 76% lượng phế thải thu hồi. Nếu không có giải pháp thu hồi tái chế thì công ty phải trả tiền thu gom cho Công ty vệ sinh môi trường là 320.000 đồng/tấn rác thải.

 

Sau một năm áp dụng, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí được khoảng 150 triệu đồng. Giải pháp “Nghiên cứu dùng các loại bụi của máy hút bụi và khu vực sản xuất thuốc bọc để sản xuất sản phẩm que hàn N38 - VD và N45 - VD, hàn thép có độ bền trung bình 430-500 N/mm2” của anh Nguyễn Đình Phương đã đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 9 (2006-2007) và được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 

Theo  Báo công thương