[In trang]
Ngành công nghiệp khí và vai trò đầu tàu của PV Gas
Thứ năm, 22/07/2010 - 04:00
Là doanh nghiệp đầu tiên được Nhà nước giao nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí trên phạm vi cả nước, hiện nay, PV Gas có vị trí rất quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, PV Gas đang chiếm lĩnh 100% thị phần cung cấp khí khô, cung cấp nguyên nhiên liệu để sản xuất trên 40% sản lượng điện, 30% sản lượng phân bón, 10% sản lượng xăng và đáp ứng 70% nhu cầu khí hóa lỏng (LPG) của cả nước.

Tiền thân của Tổng Công ty Khí Việt Nam (Petro Vietnam Gas – PV Gas) là công ty khí đốt (thuộc Ban Quản lý Công trình Dầu khí Vũng Tàu), thành lập vào ngày 20-9-1990. Từ một đơn vị chuyên quản lý đầu tư và xây dựng, PV Gas đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới, gặp không ít những khó khăn, thách thức ban đầu. Song với quyết tâm cao, với tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, vừa làm vừa học, đồng thời được sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan cấp trên, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương và sự hợp tác của bạn hàng, trong vòng gần 20 năm PV Gas đã lớn mạnh và trở thành một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

 

Ngay sau khi thành lập, để thực hiện nhiệm vụ tập đoàn giao, đảm bảo cơ sở hạ tầng vững chắc, PV Gas đã lần lượt đầu tư và đưa nhiều dự án quan trọng vào hoạt động. Cụ thể: Năm 1993, PV Gas đã triển khai dự án thu gom khí Bạch Hổ. Đây là dự án lớn, phức tạp, bao gồm hệ thống đường ống thu gom và vận chuyển khí, giàn nén khí, nhà máy xử lý khí, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng, các trạm phân phối khí, với tổng vốn đầu tư 600 triệu đô la Mỹ.


Petrogas 02.jpg


Mục tiêu của dự án là tận thu khí đồng hành mỏ Bạch Hổ đưa vào bờ phục vụ nền kinh tế quốc dân. Dự án được chia thành các giai đoạn để thực hiện và đã được hoàn thành, lần lượt đưa vào sử dụng từng phần kể từ đầu quý II/1995.

 

Hiện nay, toàn bộ dự án khí Bạch Hổ đang được vận hành và khai thác một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Với giàn nén khí ngoài khơi, hệ thống đường ống khí dài trên 150 km từ bể Cửu Long đến các hộ tiêu thụ (Nhà máy Điện Bà Rịa, Phú Mỹ), Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng tại Thị Vải với công suất chứa lớn nhất Việt Nam 6.600 tấn LPG, cảng xuất tàu 20.000 DWT và 2.000 DWT, hàng năm dự án này cung cấp 1,5 tỷ m³ khí khô, 300.000 tấn khí hóa lỏng và 150.000 tấn Condensate.

 

Tiếp theo thành công của dự án khí Bạch Hổ, tháng 12-2002, dự án khí Nam Côn Sơn (dự án khí thiên nhiên đầu tiên) hoàn thành, minh chứng cho sự phát triển vững chắc và ổn định ngành công nghiệp khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước.

 

Dự án thu gom và sử dụng khí bể Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn nhất trên thế giới như BP của Vương quốc Anh và ConocoPhillips của Mỹ, có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 7 tỷ m³ khí/năm, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400 km từ lô 06.1 và 11.2 đến Phú Mỹ, Trạm Xử lý khí Dinh Cố, Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ, đường ống Phú Mỹ - TPHCM nhằm tiếp nhận, vận chuyển khí từ bể Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện, các khu công nghiệp ở Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM.


Hệ thống khí Nam Côn Sơn kết hợp với hệ thống khí Cửu Long đã tạo nên cơ sở hạ tầng khí đốt quan trọng trong tam giác kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam bộ: TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu.

 

Dự án khí thứ 3 được hoàn thành tháng 4-2007, đó là Dự án khí PM3-Cà Mau, khí thiên nhiên khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đã được vận chuyển đưa về Việt Nam cung cấp cho các hộ tiêu thụ (Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2) bằng đường ống dài trên 300 km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 214 triệu USD và công suất 2 tỷ m³ khí/năm. Đánh dấu bước khởi đầu khởi động cho cụm khí - điện - đạm khu vực miền Tây Nam Bộ.

 

Ngoài 3 hệ thống khí như đã nêu trên, PV Gas đang sở hữu hệ thống kho chứa Condensate, LPG với sức chứa lên đến gần 60.000 tấn; hệ thống cung cấp CNG (đang được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng như một loại nhiên liệu sạch thay thế cho xăng dầu DO, FO), khí thấp áp đến từng hộ tiêu thụ khu vực miền Đông Nam bộ.

Để đảm bảo sự phát triển vững chắc và ổn định ngành công nghiệp khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước.

 

Ngoài việc vận hành an toàn các hệ thống khí hiện có, PV Gas đang tích cực triển khai nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD để đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2011-2015 như: dự án Hải Sư Trắng/Hải Sư Đen, Tê Giác Trắng, Hải Thạch Mộc Tinh, Chim Sáo, Lô B-Ô Môn (hợp tác với Tập đoàn Chevron của Mỹ, Mitsui của Nhật, Pttep của Thái Lan), kho chứa LPG lạnh 60.000 tấn, nhập LNG, sản xuất LNG tại Nga, sản xuất ethane.... Mục tiêu hàng đầu của PV Gas là đóng vai trò chủ đạo trong công nghiệp khí trên toàn quốc và phát triển ra thị trường quốc tế, vươn lên hàng thứ 4 khu vực ASEAN và có tên trong các tập đoàn khí mạnh của châu Á.

 

Hiệu quả của đầu tư

 

Có thể nói, tất cả các lĩnh vực công nghiệp khí do PV Gas quản lý đã và đang được hoàn thiện, phát triển đồng bộ; nhiều dự án khí được đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, tạo tiền đề xây dựng PV Gas theo mô hình sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh ở các khâu thu gom, tiếp nhận, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối khí và tất cả các lĩnh vực mua, bán, xuất, nhập khí và các sản phẩm khí.


 Petrogas 01.jpg


Với cơ sở vật chất đồng bộ và hoàn chỉnh, hiện nay, PV Gas đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỷ kwh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia, gần 800.000 tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước, 100.000 tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 700.000 tấn LPG/năm, đáp ứng 70% nhu cầu LPG toàn quốc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và góp phần bình ổn giá LPG trong nước.

 

Về mặt kinh tế, các hoạt động cung cấp khí của PV Gas đã tiết kiệm cho đất nước một khoản ngoại tệ nhiều tỷ đô la Mỹ kể từ năm 1995 đến nay bằng việc sử dụng khí thay cho việc nhập khẩu dầu DO để phát điện. PV Gas đã đóng góp doanh thu cho ngành dầu khí gần 150.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 40.000 tỷ đồng kể từ năm 1995. Về mặt xã hội, PV Gas đã góp phần hạn chế nạn phá rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên, cung cấp nguồn năng lượng sạch ngày càng đa dạng cho nhiều đối tượng khách hàng.

 

Đặc biệt, tính năng ưu việt và giá thành cạnh tranh của khí so với các nguồn nhiên, nguyên liệu khác đã trở thành một tiền đề hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau…, hình thành khu công nghiệp liên hiệp khí - điện - đạm Phú Mỹ và Cà Mau có tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD - hai trung tâm sản xuất điện năng lớn nhất nước…

 

Chính nhờ những dự án mang tính chiến lược và hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao đó nên PV Gas nhanh chóng trở thành đơn vị trụ cột của ngành dầu khí. PV Gas hiện đang đứng thứ 3 trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, doanh thu chiếm 8-10% doanh thu của toàn tập đoàn, riêng năm 2009, doanh thu PV Gas đạt trên 28.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 4.000 tỷ đồng, đóng góp quỹ an sinh xã hội trên 100 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/người/tháng.

 

Với những thành tích đạt được và với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của mình, trong những năm qua PV Gas đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý của các cấp, đó là: Huân chương Lao động hạng ba (năm 1997), hạng nhì (năm 2002), hạng nhất (năm 2007) và Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2010).

 

Theo Báo SGGP