"Nhật báo Phố Wall" (Wall Street Journal) của Mỹ
ngày 19/7 trích số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, sau
nhiều năm tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trở thành
nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
IEA cho biết, trong năm 2009, Trung Quốc tiêu thụ khối lượng năng lượng gồm dầu
thô, than đá, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên... tương đương 2.252 triệu
tấn dầu mỏ, cao hơn 4% so với tổng khối lượng năng lượng mà Mỹ tiêu thụ.
Toàn bộ năng lượng tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc cũng tăng trưởng hai con số
trong nhiều năm qua do ngành công nghiệp ở nước này phát triển mạnh.
Ông Fatih Birol, nhà kinh tế trưởng của IAE nhận định nhu cầu năng lượng rất lớn
của Trung Quốc là nguyên nhân khiến nước này, chủ yếu sản xuất điện từ than đá
- một trong những nguồn nhiên liệu hóa thạch "bẩn" nhất, vượt Mỹ năm
2007 trở thành nước tạo ra lượng khí thải cácbon điôxít (CO2) lớn nhất thế giới.
Thực tế, Mỹ hiện vẫn là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất với số lượng trung bình khoảng 19 triệu thùng/ngày, trong khi Trung Quốc đứng thứ hai với khối lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 9,2 triệu thùng dầu/ngày. Song, các nhà phân tích khẳng định nhu cầu dầu mỏ của Mỹ không có khả năng tăng nhiều nữa trong những năm tới do hiệu quả sử dụng năng lượng đã được cải thiện.
Nhu cầu năng lượng giảm của nền kinh tế Mỹ là lý do cơ bản để các nhà đầu tư
như tập đoàn General Electric ngày càng coi Trung Quốc như một động lực của
tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ông Birol cũng cho biết, Trung Quốc yêu cầu một khoản đầu tư cho năng lượng trị
giá khoảng 4.000 tỷ USD trong 20 năm tới nhằm duy trì và thúc đẩy nền kinh tế,
đồng thời tránh thiếu hụt nhiên liệu.
Trong 15 năm tới, Trung Quốc cũng sẽ sản xuất khoảng 1.000 Gigaoát điện mới,
động thái cho thấy mức tăng trưởng công suất và nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc
rất lớn trong tương lai.
Thúy Hằng