Theo tin từ truyền thông địa phương vào ngày thứ 6, quỹ điện khí hóa nông thôn của Campuchia có kế hoạch lắp đặt 12.000 tấm pin mặt trời vào tháng tới để đưa năng lượng sạch tới với những người nông dân, những người không được dùng điện từ lưới điện quốc gia.
Loeung Keosela, giám đốc điều hành của REF – một tổ chức được hỗ trợ bởi Ngân hàng thế giới đang hướng tới việc cung cấp điện cho mọi ngôi làng ở Campuchia vào năm 2020 – cho biết trên tờ Phnom Penh Post, tổ chức này có kế hoạch bán những tấm pin mặt trời cho các hộ gia đình ở nông thôn với hình thức trả góp hàng tháng.
Ông cho biết, các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài sẽ tham gia đấu thầu vào tháng sau để nhận cung cấp 12.000 bộ pin mặt trời, ắc quy và dây dẫn của REF, sau đó chúng sẽ được bán lẻ cho các hộ gia đình ở nông thôn Campuchia.
“Nếu cúng tôi sản xuất với số lượng lớn, hy vọng chi phí của từng bộ sản phẩm sẽ giảm xuống”, ông nói thêm.
Dự án này được tài trợ bởi quỹ Cho vay điện khí hóa và truyền tải điện tại nông thôn, trị giá 67,92 triệu USD của Ngân hàng thế giới; dự án cho vay sẽ đáo hạn vào ngày 31/1/2012.
Trước đây, REF đã từng thử nghiệm những khoản trợ cấp trực tiếp hỗ trợ chi phí pin mặt trời cho các hộ gia đình, nhưng kế hoạch đã không thành công như mong đợi, “chỉ có khoảng 90 bộ sản phẩm được tiêu thụ”.
Mao Sangat, giám đốc hãng cung cấp điện tư nhân Solar Energy of Cambodia, cho biết: “Trong một thập kỷ qua, nhu cầu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà đang tăng lên”.
Tại Diễn đàn về năng lượng mặt trời tại châu Á lần thứ nhất tổ chức tại Manila vào đầu tuần, các quan chức của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã nhận xét rằng, các quốc gia đang phát triển tại châu Á đang có cơ hội thuận lợi để phát triển năng lượng mặt trời và sự hỗ trợ từ các tổ chức phát triển là rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp này.