Những người tiên phong và thách thức giá bán
Dù đã có 20 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào phong điện tại Việt Nam, nhưng mới chỉ có Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo (REVN) đã chính thức phát điện và Công ty Cavico thì đang trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, theo ông Mai Đình Trung, Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), 10 năm tới, sản lượng phong điện sẽ bằng 1,75% tổng sản lượng điện của cả nước (theo ông Trung, tổng sản lượng các dự án phong điện sẽ đạt 3.500 MWh đến năm 2020, so với tổng sản lượng điện cả nước là 200.000 MWh). Con số này thoạt nhìn có vẻ nhỏ, nhưng xem chừng không phải “dễ xơi” đối với các nhà đầu tư hiện tại, khi các điều kiện phát triển cơ bản của ngành này vẫn trong giai đoạn mò mẫm và còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.
Trước hết là câu chuyện của 2 người tiên phong: Cavico và REVN. Phải thừa nhận rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp nội địa như 2 công ty này nhận ra tiềm năng đầu tư phong điện tại Việt Nam. 60% là tỉ lệ đầu tư Cavico dành cho phong điện, trong tất cả các mảng năng lượng tái tạo khác công ty này dự định tham gia gồm năng lượng mặt trời, điện sóng (tạo ra điện từ sóng biển kết hợp tua-bin gió). Nhưng Cavico vẫn đứng sau REVN, chủ đầu tư dự án phong điện đầu tiên của Việt Nam và chọn phong điện làm mảng kinh doanh cốt lõi.
Một cơ sở lý giải cho việc tập trung đầu tư vào phong điện của Cavico và REVN là Việt Nam có điều kiện cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực này, nhờ 8% diện tích lãnh thổ có vận tốc gió có thể đạt đến 7-8 m/giây ở độ cao 60 m, điều kiện lý tưởng để các tua-bin gió hoạt động.
Một thuận lợi khác là sự trợ giá của Chính phủ. Cavico và REVN đều hy vọng sẽ được trợ giá 4 cent/kWh (1 cent = khoảng 19 đồng theo tỉ giá hiện nay) khi dự án của họ hoàn tất và bán điện cho “nhà cái” EVN để hòa vào lưới điện quốc gia. Cavico mong đợi EVN sẽ mua điện của họ với giá 10-12 cent/kWh (1.900 - 2.280 đồng), còn REVN là 13 cent. Như vậy, với khoản hỗ trợ 4 cent/kWh của Chính phủ, trên lý thuyết, các nhà đầu tư chỉ cần tính toán chi phí tương ứng với mức giá bán 8-9 cent/kWh là xem như có thể yên tâm về hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng, lúc này, mức trợ giá là bao nhiêu thì Chính phủ vẫn đang... cân nhắc.
Tuy nhiên, những thuận lợi nói trên chưa bù đắp nổi những khó khăn và áp lực tiềm tàng lên những người đi tiên phong. Một trong số đó là câu chuyện “kẻ mua thấp, người bán cao”.
Trên thực tế, EVN cho rằng, việc mua điện của REVN với giá 13 cent/kWh là điều khó khả thi. Vì theo quy định của Bộ Công Thương, khung giá mua điện hiện hành chỉ là 5,8 cent/kWh; chi phí phát sinh đối với các dự án năng lượng tái tạo là 4 cent/kWh. Như vậy, nếu cộng lại thì giá mua chỉ có thể là 9,8 cent/kWh.
Vậy nên mới phát sinh chuyện những “mẻ hàng” đầu tiên của REVN đã được đưa lên lưới điện nhưng giá thì vẫn chưa thỏa thuận được. Nhà máy Phong điện 1 ở Bình Thuận của REVN có công suất thiết kế 120 MW gồm 4 giai đoạn, tổng vốn đầu tư khoảng 77 triệu USD, đã đưa lên lưới điện 11 triệu kWh trong nửa đầu năm 2010. Vì thế, tháng 4.2010, Bộ Công Thương đã đề nghị Hiệp hội Năng lượng và Viện Năng lượng thành lập 2 tổ công tác thẩm định giá bán của REVN để có hướng giải quyết phù hợp. Nhưng cho đến nay 2 tổ công tác này vẫn chưa đưa ra quyết định nào. Điện của REVN vẫn nằm trên lưới EVN, trong khi EVN thì không biết thanh toán sao đây cho đối tác!
Cũng như REVN, Cavico đang dõi theo từng động thái của Chính phủ về giá bán điện từ năng lượng tái tạo. Nhưng may mắn hơn so với “đàn anh”, thời điểm khởi công dự án của Cavico còn xa, đến tận năm 2011.
Theo Nhịp cầu đầu tư