[In trang]
Sử dụng năng lượng tiết kiệm: Yêu cầu bức thiết
Thứ hai, 12/07/2010 - 08:06
Sản xuất công nghiệp hiện là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Lĩnh vực xây dựng trong nhiều năm qua cũng không đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm điện. 100% công trình xây dựng phải dùng đèn chiếu sáng nên bị cắt điện là mọi hoạt động ngưng trệ. Bên cạnh đó, lĩnh vực giao thông vận tải có thể tiết kiệm đến 30% năng lượng

Thiếu điện, giá xăng dầu, giá gas… tăng, kéo theo đó là gánh nặng chi phí và áp lực ô nhiễm môi trường đã khiến yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng trở nên bức thiết. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã có cuộc trao đổi với PV ANTĐ xung quanh vấn đề này.

 

Đánh giá của ông về việc sử dụng năng lượng tại Việt Nam hiện nay?

 

Ông Đỗ Hữu Hào: Hiện nay, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam rất lãng phí. Thông thường, nếu GDP tăng 1% thì nhu cầu năng lượng tăng trưởng tương ứng 1%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu GDP tăng 1%, năng lượng sẽ tăng gấp đôi. Thiếu điện là biểu hiện của việc sử dụng năng lượng lãng phí. Nếu chúng ta tiết kiệm được 20% năng lượng/năm thì mỗi năm, chúng ta tiết kiệm được khoảng 1.000MW (để xây dựng 1 nhà máy điện 1.000 MW cần đầu tư 1,4 tỷ USD), tương đương với tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ USD.


 Nhan 03.jpg


Thiết bị có gắn nhãn tiết kiệm năng lượng đang được ưa chuộng

 

Sản xuất công nghiệp hiện là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Lĩnh vực xây dựng trong nhiều năm qua cũng không đáp ứng được yêu cầu tiết kiệm điện. 100% công trình xây dựng phải dùng đèn chiếu sáng nên bị cắt điện là mọi hoạt động ngưng trệ. Bên cạnh đó, lĩnh vực giao thông vận tải có thể tiết kiệm đến 30% năng lượng. Nhưng hiện tại, lĩnh vực này tiêu tốn nhiên liệu do số lượng phương tiện lưu thông phần lớn là xe cũ. Năng lượng phục vụ sinh hoạt cũng có thể tiết kiệm được từ 25-30% nếu người dân có ý thức hơn. Lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, điện phục vụ việc xay xát, bơm nước tưới tiêu, xăng dầu phục vụ máy móc nông nghiệp… ngốn rất nhiều nhiên liệu.

 

Như vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng trở nên bức thiết?

 

Ông Đỗ Hữu Hào: Thời điểm này, ngành năng lượng đang đứng trước những thách thức lớn. Giá nguyên liệu sơ cấp: dầu, than, khí ngày càng tăng. Nguồn năng lượng từ thủy điện đang cạn kiệt. Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện cuối cùng tận dụng được tài nguyên thiên nhiên. Nguyên liệu than cũng chỉ hơn 100 năm nữa là hết. Và trước mắt, Việt Nam khai thác than chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, 50% còn lại là phải nhập khẩu. Việc phát triển năng lượng điện hạt nhân, điện gió… đang được triển khai, nhưng suất đầu tư để sản xuất 1kWh điện này hết khoảng 9-10 cent, trong khi giá bán điện còn thấp. Nếu có nhà đầu tư nước ngoài nào có ý định đầu tư, thì phía Việt Nam cũng mất cả năm trời để đàm phán với họ. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết. Hành động này cũng giúp bảo vệ môi trường.

 

Hoạt động kiểm toán năng lượng ở Việt Nam hiện nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Ông Đỗ Hữu Hào: Hiện nay, kiểm toán năng lượng ở Việt Nam chưa thành một quy định bắt buộc do chưa có luật. Vừa qua, chúng tôi chỉ làm thí điểm ở một số nơi theo kiểu nghiên cứu, đi kiểm toán xem mức tiêu hao năng lượng và tiết kiệm năng lượng của người sử dụng đến đâu. Qua kiểm toán thì thấy doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tối thiểu có thể tiết kiệm được 15%, tối đa là 30%. Nhưng sắp tới, trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định đối với các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm (sử dụng nhiều năng lượng) là hàng năm phải kiểm toán. Khi ấy phải có cơ quan kiểm toán. Cơ quan này sẽ có tiêu chí giống như cơ quan kiểm toán tài chính.

 

Nếu kết quả kiểm toán được công bố công khai, việc sử dụng năng lượng của các cơ quan, doanh nghiệp sẽ vào “khuôn khổ” hơn?

 

Ông Đỗ Hữu Hào: Khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực, kết quả kiểm toán sẽ được công bố công khai, kể cả đối với các doanh nghiệp sử dụng nguồn ngân sách. Luật này cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, hàng năm các đơn vị này phải đăng ký và có quyết định xử phạt đối với các vi phạm. Ngoài ra, Nhà nước sẽ ban hành danh mục hàng hóa có gắn nhãn tiết kiệm năng lượng để các cơ quan sử dụng nguồn ngân sách lựa chọn. Tư tưởng “điện chùa” không cần tiết kiệm sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã được đẩy mạnh hơn.

 

Theo Báo ANTĐ