[In trang]
Cách tiết kiệm năng lượng của nhà máy giấy Phong Châu
Chủ nhật, 04/07/2010 - 10:18
Từ năm 2008, Công ty cổ phần sản xuất Thương mại giấy Phong Châu đã áp dụng quá trình sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương với sự tài trợ của DANIDA. Quy trình sản xuất này đã giúp nhà máy tiết kiệm được hàng tỷ đồng, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Từ năm 2008, Công ty cổ phần sản xuất Thương mại giấy Phong Châu đã áp dụng quá trình sản xuất sạch hơn trong khuôn khổ “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương với sự tài trợ của DANIDA. Quy trình sản xuất này đã giúp nhà máy tiết kiệm được hàng tỷ đồng, góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

 

Công ty cổ phần sản xuất thương mại giấy Phong Châu được thành lập năm 2003 với hoạt động chính là sản xuất giấy Krap sóng từ nguyên liệu tre nứa, giấy phế liệu và bột giấy thải của công ty giấy Bãi Bằng.


 giay.jpg


Những năm trước đây, quy trình sản xuất của công ty sử dụng công nghệ kiềm lạnh, có ảnh hưởng lớn tới môi trường. Nước thải công ty không xử lý tại chỗ mà được công ty giấy Bãi Bằng cho phép nhập vào dòng thải lỏng của họ để xử lý chung tại hệ thống xử lý nước thải của công ty giấy Bãi Bằng. Ngoài ra, công ty cũng thải ra các khí thải sau quá trình cháy của lò hơi cấp hơi cho công đoạn sấy sau xeo. Chất thải rắn bao gồm các loại xơ sợi xenlulo phân hủy từ bãi nguyên liệu được đổ chung với bãi thải rắn của Công ty Bãi Bằng.

 

Trên cơ sở thấy được tác động môi trường trong quá trình sản xuất, công ty đã tiếp cận SXSH để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, giảm thiểu các chất thải trong sản xuất và góp phần tiết giảm chi phí sản xuất. Dự án SXSH được là dự án thuộc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam.  Mục đích của dự án giúp các doanh nghiệp công nghiệp giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân và giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất tới môi trường.

 

Khi tham gia chương trình sản xuất sạch hơn, công ty làm hệ thống mái che cho các khu nguyên liệu. Mái che sẽ bảo vệ nguyên liệu không bị mưa nắng nên sẽ lưu giữ được lâu hơn. Tránh cho nguyên liệu bị quá khô khi trời nắng gây ra bụi hoặc bị ướt khi trời mưa gây ra mủn thối làm ô nhiễm nước bề mặt. Cải thiện được điều kiện làm việc trong công ty và tránh ô nhiễm môi trường. Ước tính sẽ giảm được khoảng 3% tiêu hao nguyên liệu. Vì vậy, đã mang lại lợi ích kinh tế, trong 1,4 năm sẽ thu hồi vốn bỏ ra khi xây dựng nhà xưởng.

 

Công ty có 3 dây chuyền sản xuất xeo giấy, năng suất trung bình hiện nay là 14 tấn giấy/ngày với tiêu thụ 50m3 nước/tấn thành phẩm thì lượng nước thải sau xeo có tổng thể tích khoảng 700m3/ngày với lượng chất rắn lơ lửng hàng năm có thể thu hồi khoảng 1140 tấn/năm.

 

Xây dựng hệ thống xử lý hóa chất thu hồi bột giấy và tuần hoàn nước thải xeo. Sau khi hệ thống hoàn thành sẽ thu hồi khoảng 75% bột trong nước thải làm nguyên liệu xeo (tương đương 855 tấn bột/năm), 25% bột thu hồi dạng cấp thấp lẫn nhiều bùn đất chỉ có thể làm nhiên liệu lò hơi và tuần hoàn 100% nước về quá trình xeo (tương đương 210.000m3/năm).

 

Tiết kiệm nhờ tuần hoàn nước nên tiết kiệm điện bơm khoảng 84.000.000đ/năm. Tiết kiệm do giải pháp mang lại khoảng 1,8 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, việc triển khai giải pháp còn đem lại những lợi ích về môi trường như giảm lượng nước thải và bột giấy thải ra môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

 

Hiện trạng công ty đang sử dụng lò hơi đốt than sản xuất hơi phục vụ quá trình sấy xeo. Đây là loại nhiên liệu hóa thạch không tái tạo nên lò hơi là nguồn phát khí thải nhà kính CO2 lớn của công ty. Mặt khác lò hơi của công ty có công suất 2,5 tấn/giờ là công suất thấp, không đủ hơi phục vụ 3 dây chuyền sản xuất xeo cùng hoạt động nên công nhân thường xuyên phải cấp gió với lưu lượng lớn để lò sấy mạnh sinh hơi nhiều.

 

Vì vậy, thường xuyên xảy ra tình trạng dư gió cao làm tổn thất theo khói lò lớn, dẫn tới hiệu suất lò hơi thấp. Trong khi đó công ty giấy Bãi Bằng bên cạnh đang đổ đi một lượng mùn dăm mảnh (biomass) rất lớn vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Công ty đã đầu tư một lò hơi đốt biomass 4,5 tấn hơi/giờ thay thế lò hơi đốt than là giải pháp hữu hiệu tiết kiệm năng lượng (giảm tiêu thụ 1,776 tấn than/năm), giảm thiểu phát khí thải nhà kính (giảm phát thải 3,267 tấn CO2 và 3,4 tấn SO2/năm. Giải quyết được lượng Biomass thải của công ty giấy Bãi Bằng đang gây ô nhiễm môi trường. Công trình được khởi công từ quý IV/2008 và đưa vào vận hành quý I/2009.

 

Để giảm thiểu tác động trong môi trường làm việc của công nhân, công ty đã trang bị hệ thống thông gió cưỡng bức tại các vị trí lao động có nhiệt độ cao, hợp lý hóa quá trình sản xuất tránh cho công nhân tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao. Bảo ôn nhiệt cho các thiết bị sinh nhiệt và thường xuyên sửa chữa các rò rỉ hơi.

 

Hiện nay, công ty đã và đang áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu bụi: vệ sinh sạch sẽ và thu hồi ngay bột giấy rơi vãi trong các đường dây vận chuyển, che phủ khu nguyên liệu khô và các nhiên liệu than; tưới nước các khu vực sinh nhiều bụi, trồng cây xanh và thay thế một số thiết bị mới. Sử dụng nhiên liệu biomass thay thế than, kết hợp lắp đặt hệ thống lọc bụi ướt để giảm thiểu phát tán khí độc ra môi trường.

 

Tận dụng tối đa các chất thải rắn để đưa trở lại quá trình sản xuất. Xỉ than tận thu làm vật tư san lấp mặt bằng trũng trong công ty. Bùn giấy thải trong các bể lắng tận thu đưa trở lại tái sử dụng cho dây chuyền xem hoặc làm nhiên liệu đốt lò hơi (nếu quá mủn thối).

Sau một thời gian SXSH, đã có một số kết quả bước đầu như sau: giảm 3% tiêu thụ điện (390.000 kWh/năm = 39.000.000 đồng/năm), tương đương giảm phát thải 28,1 tấn CO2/năm.

 

Giảm tiêu thụ than 150 tấn/ năm (= 210.000.000 đồng/năm), tương đương giảm phát thải 28,1 tấn CO2/năm; 3,8 tấn bụi/năm.  Giảm tiêu thụ nguyên liệu (do thu hồi bột tốt hơn và tỷ lệ sản phẩm hỏng giảm).

 

Qua thực hiện các giải pháp SXSH, Công ty CP Giấy Phong Châu đã cải thiện đáng kể được vấn đề môi trường, mỗi năm mang lại lợi ích hàng tỉ đồng trong vấn đề tiết kiệm năng lượng. Đại diện công ty cho biết: Lợi ích từ SXSH là rất lớn, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước để SXSH trở thành mô hình sản xuất không thể thiếu của các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững.


Hoàng Tuyết