Nhà máy Chè Ngọc Lập – huyện Yên Lập – tỉnh Phú Thọ chính thức đi vào sản xuất từ năm 2005 với ngành nghề chính là sản xuất chè khô, chè đen phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm, công suất của nhà máy vào khoảng 1.000 tấn chè khô.
Trước khi tham gia vào hợp phần SXSH trong công nghiệp
(CPI), trong quá trình sản xuất, nhà máy chè Ngọc Lập đã gặp phải những vấn đề
lớn về môi trường như bụi, tiếng ồn, khí đốt than... gây ảnh hưởng trực tiếp
đến điều kiện làm việc của người lao động, khu dân cư, trường học ở gần nhà
máy. Lượng phát thải của nhà máy lúc này vào khoảng 2.500 tấn CO2/năm.
Nhận thấy những lợi ích từ hoạt động sản xuất sạch hơn, và cũng nhằm giải quyết triệt để những tồn tại về môi trường trong quá trình sản xuất, năm 2007, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Trung tâm Sản xuất sạch của Việt Nam, nhà máy đã bắt đầu tiến hành những giải pháp SXSH.
Trong giai đoạn đầu (từ tháng 5 đến tháng 10/2007), nhà máy đã bắt đầu thành lập đội sản xuất sạch hơn để bắt đầu tiến hành đánh giá SXSH toàn bộ nhà máy. Sau đó, môt loạt các giải pháp không tốn chi phí hoặc chi phí thấp đã bắt đầu được thực hiện triệt để tại nhà máy.
Cụ thể, trước khi thực hiện SXSH, tình trạng rơi vãi chè trong khâu xử lý chè sơ chế và vụn chè bay ra trong khâu xử lý thành phẩm đã gây thất thoát nguyên liệu khá nhiều. Ước tính mỗi năm, nhà máy không thể thu hồi được khoảng 82 tấn chè tươi do nhiều nguyên nhân như: nền xưởng bị hư hại; lẫn tạp chất vào chè; chè bị rơi vãi trong các khâu cấp liệu... Bên cạnh đó, nhà máy cũng bị tổn thất điện do một số động cơ đang dùng được quấn lại bị quá nhiệt; sử dụng các bóng đèn thường có công suất cao...
Đồng thời, lượng than tiêu thụ trong quá trình sản xuất cũng
rất lớn do kỹ thuật đốt lò của công nhân chưa cao; kênh dẫn khí nóng và vỏ các
thiết bị có nhiệt độ quá cao (60-750C)...
Nhận thức được những tồn tại đó, đội SXSH đã triển khai các giải pháp quản lý nội vi để giảm thất thoát nguyên liệu gồm: nâng cao ý thức của công nhân trong thao tác; phục hồi nền xưởng; hoàn thiện công tác bảo dưỡng, khắc phục sự cố chảy dầu; lắp đặt bao che cho các truyền động hở để tạo điều kiện cho công tác vệ sinh; vệ sinh thu hồi chè vụ triệt để... Song song với việc thu hồi nguyên liệu, nhà máy cũng đưa ra những giải pháp nhằm làm giảm tổn thất điện như thay thế dần các bóng đèn tuyp bằng bóng đèn compact; không để máy chạy không tải; có quy trình vận hành cụ thể cho từng loại máy...
Đồng thời, để giảm tổn thất than, nhà máy đã giao trách nhiệm kiểm tra chất lượng than cho công nhân đốt lò; nâng cao kỹ thuật đốt lò cho công nhân; bảo ôn vỏ các thiết bị dẫn nhiệt... Với tổng mức đầu tư cho các giải pháp này là 28,5 triệu đồng, sau 1 năm thực hiện, tổng số tiền nhà máy tiết kiệm được là 486 triệu đồng/năm; giảm phát thải 30 tấn bụi/năm và 275 tấn CO2 ra môi trường.
Năm 2008, bước vào giai đoạn 2 của hợp phần, Nhà máy Chè Ngọc Lập đã bắt đầu triển khai các giải pháp đầu tư lớn hơn nhằm giảm triệt để lượng bụi phát sinh trong quá trình sản xuất, giảm tổn thất nhiên liệu trong quá trình sản xuất... như lắp đặt hệ thống lọc bụi thực phẩm chuyên dùng cho thu bụi chè; hệ thống cấp khí sạch khu vực sấy; Nâng cấp hệ thống cung cấp nhiệt cho nhà xưởng, nhà kho.
Tổng mức đầu tư của hai nhóm giải pháp này là 2,203 tỷ đồng. Sau 1 năm, nhà máy đã thu lợi được 403 triệu đồng, đồng thời giảm lượng bụi phát tán ra môi trường là 50 tấn/năm, giảm phát thải 550 tấn khí CO2/năm. "Tuy nhiên, lợi ích lớn hơn là nhà máy đã tạo ra một môi trường sạch hơn, thuận lợi cho công nhân làm việc, từ đó cũng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hơn" – ông Nga chia sẻ.
Với những lợi ích không nhỏ từ quá trình SXSH, Nhà máy Chè Ngọc Lập đã quyết định duy trì hoạt động này khi hợp phần SXSH kết thúc bằng cách duy trì hoạt động của đội SXSH và lồng ghép các hoạt động SXSH vào hoạt động của nhà máy. Theo đó, trong thời gian tới, nhiều giải pháp SXSH sẽ tiếp tục được triển khai như bảo ôn các kênh dẫn khí nóng; quản lý tiêu thụ nước, làm kín phòng lên men nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; Nâng cao điều kiện làm việc cho công nhân.
Hoàng Tuyết