[In trang]
Kinh nghiệm tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp sản xuất giấy Đức Huỳnh
Thứ ba, 06/07/2010 - 00:20
Doanh nghiệp sản xuất giấy Đức Huỳnh đã tiến hành thay thế thí điểm động cơ có bộ điều tốc tại xưởng giấy lụa và xưởng giấy màu. Kết quả, tại xưởng giấy lụa, với số giờ động cơ hoạt động là 24 giờ/ ngày và 330 ngày/ năm, ước tính mỗi năm xưởng có thể tiết kiệm 2,6 nghìn Kwh tương đương 20,6 triệu đồng.

Thuộc địa bàn huyện Yên Phong – tỉnh Bắc Ninh, cơ sở sản xuất giấy Đức Huỳnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ song với đặc thù sản xuất giấy, làm việc 3 ca/ngày nên mức tiêu thụ năng lượng bình quân của cơ sở là khá lớn. Qua khảo sát, doanh nghiệp tiêu thụ bình quân trên 90 nghìn Kwh/ tháng và khoảng 68 tấn than/tháng.


Ông Ngô Đức Hảo, giám đốc doanh nghiệp Đức Huỳnh cho biết, nguyên liệu chính trong hoạt động của doanh nghiệp là bột giấy, giấy loại và các sản phẩm giấy tái chế phục vụ sản xuất giấy toilet, giấy màu nên trong quy trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn, vừa tiêu tốn năng lượng vừa gây ô nhiễm môi trường. Được sự hỗ trợ, tư vấn của dự án PECSME, chúng tôi đã nhận thấy lợi ích của việc sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng (TKNL) và bảo vệ môi trường.


Doanh san xuat giay 01.jpg

Với công suất hoạt động 240-250 tấn sản phẩm/ tháng, mỗi tấn sản phẩm tiêu thụ hết khoảng 385 Kwh điện và 283 kg than, mỗi tháng doanh nghiệp phải chi trả trên 100 triệu đồng cho chi phí năng lượng. Đây là mức chi khá lớn đối với một cơ sở sản suất nhỏ.


Chỉ bằng 4 biện pháp đơn giản bao gồm: Cải tạo hệ thống chiếu sáng, loại bỏ và thay thế động cơ có bộ điều tốc, sử dụng lại nước ngưng đọng và lắp đặt lại các thùng chứa bột giấy, đã giúp doanh nghiệp này tiết kiệm trên 130 triệu đồng mỗi năm. Hiện tại, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang cùng các chuyên gia kỹ thuật tiếp tục tìm ra các phương pháp TKNL năng lượng hiệu quả.


Thông thường từ giấy loại và giấy tái chế thu mua được đến khi hoàn thành sản phẩm phải trai qua 10 công đoạn từ phân loại, sấy, lọc cho đến sấy, cuộn…Tùy vào đặc thù sản xuất của mỗi xưởng mà nhu cầu tiêu thụ năng lượng cũng khác nhau. Xưởng giấy lụa trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 766 Kwh điện, 740 kg than và 200-230 m3 nước. Xưởng giấy gói có mức tiêu thụ năng lượng lớn hơn tương đương 1,5 nghìn Kwh điện, 880 kg than và 600-700 m3 nước.


Ở hệ thống chiếu sáng, biện pháp thay thế những bóng sợi đốt bằng bóng huỳnh quang compact 17 W, 32W đã giúp công ty tiết kiệm trên 4,6 nghìn Kwh/năm tương đương tiết kiệm khoảng 450 nghìn đồng/ năm. Với giá mua sắm thiết bị theo thị trường cộng với chi phí thay thế, bảo dưỡng hàng năm, theo tính toán ban đầu công ty chỉ phải đầu tư ban đầu gần 800 nghìn đồng, sau khoảng 2 tháng có thể thu hồi toàn bộ vốn trong khi đó tuổi thọ của bóng compact lên tới 8000 giờ. Rõ ràng lợi ích mà công ty nhận được ở biện pháp này là rất lớn và lâu dài.


Doanh nghiệp sản xuất giấy Đức Huỳnh đã tiến hành thay thế thí điểm động cơ có bộ điều tốc tại xưởng giấy lụa và xưởng giấy màu. Kết quả, tại xưởng giấy lụa, với số giờ động cơ hoạt động là 24 giờ/ ngày và 330 ngày/ năm, ước tính mỗi năm xưởng có thể tiết kiệm 2,6 nghìn Kwh tương đương 20,6 triệu đồng. Cũng với công suất hoạt động tương tự, động cơ có bộ điều tốc tại xưởng giấy màu có thể tiết kiệm 4,9 nghìn Kwh tương đương 4,9 triệu đồng. Đây là 2 biện pháp có mức đầu tư lớn, trên 10 triệu đồng/ động cơ song thời gian hoàn vốn cũng nhanh từ 2 đến 6 tháng.

 
Công đoạn sấy khô giấy trước khi đóng gói sản phẩm ngoài tiêu thụ điện cần đến lượng than lớn. Biện pháp thu hồi nước ở bình ngưng vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng lại giảm bớt nước thải ra môi trường. Trước khi lắp đặt thiết bị thu hồi nước ngưng, kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp có thể tiết kiệm trên 35 triệu đồng mỗi năm nhưng trên thực tế mức tiết kiệm còn lớn hơn rất nhiều khoảng 72 triệu đồng/năm.


Cuối cùng, biện pháp lắp đặt lại vị trí thùng chứa bột giấy giúp công ty này tiết kiệm khoảng 12 triệu đồng/năm. Với chi phí đầu tư 5 triệu đồng, sau 5 tháng có thể thu hồi vốn.


 Ngoài các biện pháp kỹ thuật đã được thực hiện qua sự tư vấn từ các chuyên gia năng lượng, bản thân doanh nghiệp cũng có thêm nhiều sáng kiến giúp tiết kiệm điện năng mà không cần đầu tư chi phí như: Sử dụng ánh sáng tự nhiên tại các cơ sở sản xuất bằng cách lắp mái gần như trong suốt, tăng cường ánh sáng bằng cách nâng cấp hệ thống chiếu sáng hiện có với các gương phản quang. Theo số liệu từ dự án PESME, ước tính tổng hợp các biện pháp TKNL thực hiện tại doanh nghiệp sản xuất giấy Đức Huỳnh đã góp phần giảm phát thải trên 200 tấn C02 mỗi năm ra môi trường.


 Hùng Linh