Sử dụng năng lượng sạch là “vũ khí” làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. TPHCM được đánh giá là nơi giàu nguồn tài nguyên nắng nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác và sử dụng hợp lý. Gần đây, dù Khu Công nghệ cao TPHCM và Công viên 23-9 đã đưa vào sử dụng 32 trụ đèn dùng năng lượng mặt trời nhưng vẫn quá ít so với nhu cầu thực tế. Nguyên do là thành phố thiếu kinh phí hay chưa mạnh dạn đầu tư?
PV Báo SGGP đã có
cuộc trao đổi với ông Đào Anh Kiệt - Giám
đốc Sở TN- MT TPHCM, về vấn đề này
PV: Nhiều ý kiến cho rằng TPHCM rất giàu tiềm năng nắng nhưng việc khai
thác sử dụng quá ít là do chúng ta chưa mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Trong số 100.000 trụ đèn chiếu sáng công cộng đang sử dụng điện ở TPHCM, chỉ mới có 32 trụ đèn chiếu sáng dùng năng lượng sạch là quá ít so với nguồn tài nguyên ta đang có. Hiện tại TP nhận được nhiều nguồn tài trợ từ các nước phát triển, tổ chức phi chính phủ (như Chương trình Phát triển LHQ, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Công nghệ sạch, Quỹ Bắc Âu,…) để thực hiện các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Trong đó có cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng từ sử dụng điện sang sử dụng năng lượng mặt trời. Nhưng để hiện thực các dự án tài trợ này rất cần một cuộc cách mạng.
PV: Ông muốn nhấn mạnh đến cuộc cách mạng trong quản lý và đầu tư?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Đúng vậy. Cuộc cách mạng này phải được thực hiện toàn diện từ quản lý, đầu tư đến khoa học công nghệ, trong đó, khoa học công nghệ quan trọng hơn cả. Hiện nước ta chưa thực sự hình thành ngành công nghiệp năng lượng sạch. Các thiết bị sử dụng loại năng lượng này đều phải nhập với giá rất cao, với chất lượng sản phẩm chưa được kiểm định chặt chẽ. Do vậy để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sạch vào đời sống, chúng ta phải thực sự nội địa hóa sản phẩm này. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng cần mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới này để kích thích sản xuất trong nước, từng bước tạo điều kiện hình thành ngành công nghiệp sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng sạch.
PV: Giữa hệ thống chiếu sáng sử
dụng năng lượng sạch với năng lượng truyền thống, loại nào mang lại hiệu quả
kinh tế cao hơn, thưa ông?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Mỗi loại đều có những ưu điểm riêng. Thiết bị
chiếu sáng truyền thống hình thành lâu đời, sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu
mã, chất lượng ổn định… Thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng sạch còn mới,
sản phẩm chưa phong phú, chi phí đầu tư cao hơn 40% - 60% chi phí đầu tư thiết
bị dùng năng lượng truyền thống. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đầu tư thiết bị
chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng sạch sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời và gió tại Công viên 23-9
Tiềm năng dầu khí ở nước ta không lớn, từ chỗ xuất khẩu dầu thô, than đá, chỉ trong vòng 15 năm tới nước ta sẽ phải nhập siêu về năng lượng. Tại TPHCM, nếu chuyển toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng dùng điện sang năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm được hơn 73 triệu kWh/năm. Nhà nước cũng sẽ cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 do giảm khối lượng nhiên liệu hóa thạch sử dụng để sản xuất điện; giảm vốn đầu tư xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, từ đó hạn chế thu hẹp diện tích rừng…
PV: Vậy tại sao thiết bị sử dụng
năng lượng sạch vẫn chưa được sử dụng phổ biến?
Ông ĐÀO ANH KIỆT: Hiện Ban chỉ đạo Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu của TP đang xây dựng và sẽ triển khai trong thời gian tới nhiều dự án thân thiện với môi trường như: giảm phương tiện xe cá nhân, chuyển hệ thống chiếu sáng công cộng trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 sang dùng năng lượng mặt trời, xây dựng trung tâm quan trắc để kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Thông qua những dự án trên, chúng ta sẽ cho thế giới thấy, TPHCM không chỉ hội nhập kinh tế mà còn hội nhập trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để đạt được mục đích trên cần phải có lộ trình và đặc biệt phải tranh thủ được sự hỗ trợ của các nước phát triển và tổ chức phi chính phủ.
Theo SGGP