Các doanh nghiệp du lịch sở hữu những khách sạn lớn đã và đang thực hiện những giải pháp tiết kiệm điện nhằm giải quyết phần nào bài toán thiếu hụt điện hiện nay.
Nhiều phương thức tiết kiệm hiệu quả
Tại các khách sạn, việc sử dụng những thiết bị như máy điều hòa không khí; máy nước nóng; đèn chiếu sáng là nhu cầu không thể thiếu. Các thiết bị này tiêu tốn nguồn điện năng rất lớn. Đây cũng chính là bài toán khó nhất đối với các khách sạn trong điều kiện nguồn điện thiếu hụt trầm trọng như thời gian qua. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ để ổn định chi phí dịch vụ, bảo đảm sản xuất kinh doanh.
Ông Bùi Ngọc Hải, Giám đốc khách sạn DIC STAR cho biết, thời
gian qua, khách sạn đã có nhiều cách tiết kiệm khác nhau và mang lại hiệu quả
rõ rệt, đơn cử như lắp đặt hệ thống điều hòa hiện đại để tiết kiệm điện năng
tiêu thụ; mở nhiều cửa để tận dụng ánh sáng tự nhiên và nguồn gió trời; cài đặt
hệ thống máy lạnh nhiệt độ ở mức 22 0C trở lên; xử lý nước thải sinh hoạt để tái
sử dụng với mục đích khác; sử dụng năng lượng sạch; nhiều khuyến cáo được in,
dán tại cửa ra vào, cầu thang, phòng ngủ để khuyến cáo khách hàng góp phần tiết
kiệm năng lượng.
Thiết kế ban đầu của khách sạn Bưu điện Vũng Tàu chưa tính đến các giải pháp tiết kiệm điện vì vậy khách sạn này đang gồng gánh 200 triệu đồng tiền điện/tháng
Do vậy, với 10 tầng và 1 tầng hầm, 8.000 m2 diện tích sàn, 3 thang máy... trung bình mỗi tháng khách sạn chỉ tiêu thụ hết 40.000 KWh điện. Cũng theo ông Hải, tới đây, khách sạn sẽ lắp đặt hệ thống máy nước nóng và hệ thống chiếu sáng chạy bằng năng lượng mặt trời để giảm thiểu nguồn điện tiêu thụ và góp phần vào chiến dịch tiết kiệm năng lượng.
Bà Nguyễn Thị Út, Giám đốc khách sạn Grand cũng cho biết với nhiều biện pháp khác nhau, khách sạn Grand đang xây dựng cho mình một kế hoạch tiết kiệm năng lượng, trong đó giải pháp tạo ra những khoảng xanh trong khuôn viên khách sạn để mang lại không khí trong lành; chia giờ để tắt điện luân phiên giữa các khu vực; khối văn phòng tắt điện 1 giờ /buổi làm việc; thành lập ban ISO để kiểm tra giám sát trong thời gian nhân viên sử dụng điện; thu gom nước thải qua công nghệ để tái sử dụng cho mục đích tưới cây, vòi phun, thác nước... Bằng những việc làm thiết thực đó, thời gian qua khách sạn đã giảm thiểu được năng lượng tiêu thụ, song không vì thế mà “đẳng cấp 4 sao” của khách sạn bị ảnh hưởng.
Nhưng chưa gắn với yếu tố kiến trúc
Có thể thấy, các khách sạn lớn cũng là những tòa nhà lớn, nhưng xét về mặt kiến trúc, hầu hết các khách sạn hiện có trong tỉnh đều chưa đáp ứng yêu cầu về tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
Ông Ngô Nhật Thành, Giám đốc Khách sạn Bưu điện Vũng Tàu cho
biết, việc xây dựng theo lối kiến trúc “tự phát” đang khiến nhiều doanh nghiệp
“khóc dở, mếu dở” khi phải trả những chi phí tiêu thụ điện không cần thiết,
khách sạn bưu điện là một ví dụ.
Theo ông Thành, trước đây khi xây dựng tòa nhà khách sạn Bưu điện không tính đến sau này sẽ lắp đặt hệ thống máy nước nóng và hệ thống chiếu sáng chạy bằng năng lượng mặt trời. Và bây giờ, khi xác định được nhu cầu đó là cần thiết thì “mọi chuyện đã rồi”. Phòng ốc khách sạn đã thiết kế theo kiến trúc cũ, bây giờ có muốn cải tạo cũng khó. Riêng khu vực sân thượng, không thể lắp đặt hệ thống máy nước nóng và hệ thống chiếu sáng chạy bằng năng lượng mặt trời. Không có nguồn năng lượng bổ sung, doanh nghiệp đang phải “gồng” mình chi trả 200 triệu đồng tiền điện hàng tháng.
Ông Trần Giàu, Trưởng phòng Quản lý năng lượng - Sở Công thương Vũng tàu cho rằng, các tòa nhà lớn trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa đáp ứng về mặt kiến trúc theo yêu cầu tiết kiệm điện. Bởi vậy, giải pháp trước mắt của Sở Công thương là khuyến khích các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà thông qua các giải pháp sử dụng công nghệ và thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Phong Lan