[In trang]
Ngôi nhà tiết kiệm năng lượng – phải bắt đầu từ kiến trúc
Chủ nhật, 30/05/2010 - 18:22
Hướng tới một nền kiến trúc sinh thái, hài hòa với tự nhiên, tiết kiệm năng lượng đang là mục tiêu của cả thế giới. Chẳng thế mà các kiến trúc “tranh, tre, nứa, lá”, sử dụng khí động học của KTS Võ Trọng Nghĩa đã vinh dự đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, và hiện nay đang là đại diện cho công nghệ Việt Nam trưng bày tại World Expro 2010, đang diễn ra tại Thượng Hải.

Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch, phong trào… diễn ra trong nước cũng như trên toàn thế giới về việc phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên, mà phổ biến nhất là điện. Nhưng sự lãng phí năng lượng không vì thế mà đã giảm ngay.

Một con tính dễ thấy như sau: Nếu mỗi hộ gia đình chỉ tiết kiệm 1 số điện mỗi tháng, thì hàng chục triệu hộ gia đình cả nước mỗi năm sẽ đóng góp một lượng điện khổng lồ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đối với hầu hết các hộ gia đình, tiết kiệm năng lượng không phải là chuyện hô hào suông, mà liên quan trực tiếp  vào túi tiền của họ (nhất là trong điều kiện tiền điện được tính lũy tiến). Vì thế hầu hết người dân luôn tiết kiệm điện bằng mọi cách.

Vì thế, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng phải đặt trọng tâm vào các cơ quan, đơn vị được “xài chùa” năng lượng.


Ngoi nha TKNL phai tu kien truc.jpg


Công trình làm bằng tre của KTS Võ Trọng Nghĩa đang trưng bày tại World Expro 2010


Hô hào chung chung về tiết kiệm năng lượng thôi chưa đủ. Tiết kiệm năng lượng là một chiến lược và là một khoa học. Đồng ý là nếu mỗi chúng ta tắt đi một bóng đèn thì thế giới sẽ sáng hơn (miễn là không phải tắt đi bóng đèn duy nhất đang chiếu sáng). Thế nhưng, nếu chúng ta vận động  mỗi công sở bật điều hòa tăng lên 1 độ trong mùa hè này thì hiệu quả tiết kiệm sẽ thấy rất rõ, vì ai cũng biết rằng một giờ chạy điều hòa tốn kém gấp bội so với việc thắp sáng bóng đèn compact (Máy điều hòa trung bình có công suất 12.000BTU, tương đương 3500W, bằng công suất của 175 bóng đèn compact 20W cộng lại).

 

Nếu chúng quy định các công sở không được bật điều hòa dưới 25 độ chẳng hạn (cài đặt ngay vào chương trình điều khiển điều hòa; thậm chí từ khi nhập khẩu hay sản xuất điều hòa) thì tôi tin chắc rằng sẽ tiết kiệm được một lượng điện lớn. Tôi từng nghe ở Nhật Bản, một đất nước giàu có như vậy, nhưng đã có lúc quy định công chức không được mặc com lê thắt ca vát trong mùa hè để khỏi phải hạ nhiệt độ điều hòa xuống quá thấp.


Mỗi lần nhìn thấy cánh cửa phòng điều hòa công sở mở toang, trong khi các điều hòa đang phải gồng mình lên để chạy, tôi lại có cảm giác như từ cánh cửa mở đó hàng trăm m3 nước sông Đà (để sản xuất điện) đã bị trôi đi vô ích.

Quan sát thói quen sử dụng điều hòa trong chục năm gần đây, tôi có cảm giác rằng càng ngày cái điều hòa càng trở nên một vật dụng không thể thiếu được trong các công sở và trong rất nhiều hộ gia đình Việt Nam từ trung lưu trở lên. Chỉ một ngày hỏng điều hòa trong mùa hè là công sở tán loạn cả lên; người người như “phát cuồng”. Trong khi mấy chục năm trước, mọi người đều có thể sống yên ổn với cửa sổ mở rộng và một vài cái quạt con cóc.


Không thể đổ hết cho sự nóng lên của vỏ trái đất hay sự chật chội của đô thị. Cái chính là kiến trúc và xây dựng của chúng ta ngày nay đã ỷ quá nhiều vào bê tông, cốt thép và các vật liệu thời thượng (như kính xây dựng…) khiến các tòa nhà gần như trở thành các lò nung trong mùa hè, không ai có thể chịu được nếu không có điều hòa. Nhìn những biệt thự cổ của Pháp xây dựng từ hơn nửa thế kỷ trước ở Hà Nội, nhìn những căn nhà truyền thống của nông thôn ngày xưa “mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông” mà thấy buồn cho các căn nhà ống luôn luôn phải vận hành bằng năng lượng nhân tạo ngày nay. Nhìn các ngôi nhà ống đó, tôi có cảm giác như đó là một bệnh nhân chạy thận nhân tạo, rút điện ra là thành… hỏa lò!


Vì thế, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, theo tôi, phải có những điều khoản quy định cho ngành kiến trúc và xây dựng, để tiết kiệm năng lượng trở thành các “quy chuẩn” xây dựng và thiết kế. Cần điều chỉnh nhận thức, hành vi của chính những người làm nghề, chứ không chỉ đơn thuần là khuyến khích người dân lựa chọn.


Hướng tới một nền kiến trúc sinh thái, hài hòa với tự nhiên, tiết kiệm năng lượng đang là mục tiêu của cả thế giới. Chẳng thế mà các kiến trúc “tranh, tre, nứa, lá”, sử dụng khí động học của KTS Võ Trọng Nghĩa đã vinh dự đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, và hiện nay đang là đại diện cho công nghệ Việt Nam trưng bày tại World Expro 2010, đang diễn ra tại Thượng Hải. Trung Quốc từ 1/5 đến 31/10.

 

Theo thethaovanhoa