[In trang]
Bảo trì máy móc đúng cách: Tiết kiệm tiền tỷ
Thứ năm, 26/11/2009 - 09:50
Nhằm cung cấp các tri thức hiện đại và các giải pháp toàn diện, những kinh nghiệm về bảo trì hiệu quả cho doanh nghiệp đồng thời trong khuôn khổ đề án “Đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố”, vừa qua Sở KH-CN TPHCM cùng Hội Cơ khí TPHCM tổ chức Hội thảo “Bảo trì hiện đại - Trung tâm lợi nhuận của doanh nghiệp”. Theo PGS-TS Phạm Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, bảo trì là một sự đầu tư kinh tế làm tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận và doanh thu cho doanh nghiệp.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, nếu đầu tư đúng mức để làm tốt công tác bảo trì thì có thể mang lại nhiều lợi ích như tăng thời gian chạy máy và doanh thu của doanh nghiệp lên 15%-20%, tăng tuổi thọ máy móc, giảm 10%-15% chi phí sửa chữa, giảm 10%-20% năng lượng tiêu thụ… Các số liệu nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, cứ 1 USD tiết kiệm nhờ bảo trì tương đương với gia tăng 25 USD doanh thu của doanh nghiệp. Cứ 1 USD đầu tư cho bảo trì hợp lý thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được ít nhất là 5 USD/năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với công tác bảo trì máy móc, vì vậy phải tốn kém chi phí sửa chữa hoặc gián đoạn sản xuất do máy hư hỏng…

Hội thảo cũng đưa ra kết quả khảo sát một công ty nhựa tại TPHCM, tổng thời gian ngừng hoạt động của 80 máy ép phun nhựa và các thiết bị phụ trợ trong 1 năm khoảng 24.000 giờ. Với mức tính 10 triệu đồng/giờ ngưng máy, doanh nghiệp này bị thiệt hại khoảng 240 tỷ đồng/năm. Nếu doanh nghiệp này làm tốt công tác bảo trì thì tổng số giờ ngưng máy chỉ còn 12.000 giờ/năm và thiệt hại sẽ giảm còn 120 tỷ đồng/năm.

Còn khảo sát tại dây chuyền sản xuất sữa đặc có đường của một công ty sữa ở khu vực phía Nam, mỗi năm bị ngừng hoạt động khoảng 350 giờ, mỗi giờ ngừng máy thiệt hại khoảng 240 triệu đồng. Cụ thể hơn, 1 giờ ngừng máy có thể gây thiệt hại doanh thu cho doanh nghiệp ngành nhựa: 10 triệu đồng, chế biến sữa: 240 triệu đồng, bia: 900 triệu đồng, thép: 180 triệu đồng, xi măng: 2.000 triệu đồng, dược phẩm: 300 triệu đồng, ô tô: 200 triệu đồng…

Chính vì thế, các đại biểu dự hội thảo cho rằng bảo trì làm giảm đáng kể chi phí sản xuất và giúp hệ thống sản xuất tinh gọn, vì vậy cần có một nhận thức rằng bảo trì là một khoản đầu tư quan trọng cho tương lai phát triển bền vững của doanh nghiệp và cần hành động. Tức là hoạt động bảo trì phải có sự tham gia và hỗ trợ của tất cả mọi người, từ lãnh đạo cao nhất đến nhân viên tại phân xưởng. Tiếp theo đổi mới tư duy về bảo trì, cần đổi mới về đào tạo, tư vấn, về công nghệ quản lý và kỹ thuật bảo trì để có thể hòa nhập với thế giới.

(Nguồn: sggp.org.vn)