[In trang]
Phong điện giá rẻ từ vỏ thùng phuy
Thứ tư, 15/07/2009 - 13:14
Từ vỏ lon nước ngọt, chuyên gia nghiên cứu về vi mạch - điện tử Đặng Hữu Xướng đã có ý tưởng tạo ra những cánh quạt phong điện và anh đã nghiên cứu tạo ra những cánh quạt phong điện từ những chiếc thùng phuy hỏng. Ý tưởng này đã trở thành hiện thực, các sản phẩm phong điện do anh Xướng tạo ra đã được lắp ráp tại TPHCM và Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuối tháng 4-2009, một tổ hợp phong điện đã được lắp đặt ở Lâm Hà, Lâm Đồng

Từ vỏ lon nước ngọt...

 

 

 

 

(Nguồn: TKNL)

Tình cờ trên chuyến tàu hỏa từ Bắc vào Nam (tháng 6-2008), anh Đặng Hữu Xướng đã vô tình cắt các lon nước ngọt với ý định làm thành chong chóng để quay chơi. Vô tình khi tạo chong chóng theo phương thức cắt cánh trên bề mặt hình trụ rỗng đã giúp anh nảy ra ý tưởng tạo những cánh chong chóng này thành một phương cách để tạo những tổ hợp phong điện mini. Và khi trở về TPHCM, anh Xướng đã nghiên cứu về cách cắt cánh này và mất gần 20 ngày thí nghiệm, anh đã định hình được kiểu cắt cánh trên vỏ thùng phuy để tạo ra năng lượng tương đối lớn để biến thành điện sử dụng.

Qua nghiên cứu, anh Xướng còn phát hiện ra khả năng cụp cánh và xòe cánh của nó, điều này rất cần thiết trong việc chống chọi với các cơn bão xảy ra thường xuyên như ở nước ta. Điều lý thú của việc cắt cánh trên bề mặt hình trụ rỗng này là can thiệp cơ khí rất ít nên việc chế tạo phong điện đã trở nên đơn giản rất nhiều.

 Cách làm của anh Xướng là tận dụng các loại thùng phuy các cỡ to nhỏ khác nhau, chỉ việc cắt cánh trên bề mặt hình trụ của thùng phuy rồi bẻ ra là được. Cách thức này tạo nên kiểu chong chóng trục đứng, gió bất kỳ hướng nào cũng quay được nên không cần bánh lái như kiểu trục nằm ngang. Trục lại được giữ bằng các dây chằng do đó rất chắc chắn không cần bệ xi măng.

Khả năng ứng dụng rộng rãi

Do ý định tạo phong điện nhằm mục đích dễ làm, rẻ tiền, vì thế anh Xướng chọn giải pháp loại phong điện trục đứng. Thực tế hiện phong điện trục đứng cũng có 2 kiểu hiện đại, đó là kiểu Savonius và Darrieus nhưng anh cũng không chọn vì qua thí nghiệm anh nhận thấy hiệu suất của các loại máy đó cũng không rõ rệt, ngoài ra thiết kế phức tạp, quan trọng là nó lại yêu cầu vận tốc gió phải cao... Chính vì vậy, anh Xướng có một cải tiến quan trọng khác: đó là cách cắt cánh kép (tăng được diện tích cánh nên lấy được nhiều năng lượng gió hơn khi khởi động).

Với một thùng phuy bình thường, anh Xướng cho biết đã làm được 1 chong chóng có công suất khá lớn để tạo điện, bơm nước, nghiền bột... Khi làm, anh Xướng đã thực hiện bằng 2 kiểu chong chóng khác nhau. Có thể đưa thiết kế lên trên sân thượng các nhà cao tầng hoặc dưới mặt đất, đồng thời dùng 2 ổ bi để giảm ma sát.

 

Làm khung dạng “thùng phuy” cho phong điện
Anh Đặng Hữu Xướng nói: “Đặt phong điện ít cánh ở vị trí nào phải khảo sát kỹ lượng gió trong ngày, trong tháng, trong năm ở nơi đó để tránh trường hợp lãng phí vì: phong điện đứng hoài mà không quay phát điện. Còn loại nhiều cánh (như loại cắt cánh trên bề mặt hình trụ rỗng) sẽ tránh được điều đó. Vậy thì loại ít cánh ưu điểm ở chỗ nào? Thứ nhất là vận tốc quay nhanh nên có thể không phải chế tạo bộ phận nhân tốc của máy phát điện, thứ hai là chi phí cho vật liệu làm cánh ít hơn loại nhiều cánh”.

 Anh Xướng cho biết, nếu làm cánh quạt có nhiều cánh, diện tích cánh chắn gió lớn hơn diện tích các khe hở thì chỉ cần gió nhẹ cũng đã quay nhưng tốc độ chậm. Ngược lại, ít cánh hay diện tích cánh chắn gió nhỏ hơn diện tích các khe hở thì cần gió lớn mới quay được và sẽ quay với tốc độ nhanh.

Hiện nay, có hai doanh nghiệp ở TPHCM và Bình Dương đã ứng dụng khá hiệu quả phong điện tự tạo vào việc chạy chữ và thắp sáng bảng hiệu quảng cáo về đêm của anh Xướng. Anh Xướng cũng cho biết, để làm được điều này trên một hình trụ, có thể đặt chữ và các biểu tượng. Cách mở cánh trên hình trụ dễ dàng làm cho nó quay mỗi khi có gió thổi cũng đã gây chú ý cho người đi đường; ngoài ra nếu ta đặt dynamo thì mỗi lần chong chóng quay sẽ phát điện làm sáng đèn trang trí bảng hiệu hay làm phát ra một điệu nhạc. Có một phương án khác là tích điện vào ắc quy để thắp sáng bảng hiệu ban đêm.

Ý tưởng này hoàn toàn có thể thương mại hóa. Hiện một trại nuôi cá bè ở Bà Rịa Vũng Tàu cũng gắn công nghệ này. Cuối tháng 4 vừa qua, một máy phong điện theo kiểu vỏ thùng phuy đã được lắp đặt ở Lâm Hà, Lâm Đồng. Các phong điện giá rẻ này chỉ có chi phí khoảng 2 triệu đồng, nên mỗi hộ gia đình đều có thể chế tạo hoặc trang bị một chiếc phong điện có công suất tương đối lớn để tạo điện dùng bơm nước, thắp sáng...