Tiến sĩ Lê Hoàng Tố, người đã biến năng lượng mặt trời thành điện, chủ nhiệm dự án Delta Prores là nhà khoa học nữ thứ 21 của Việt Nam được trao giải Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học Nga xuất sắc ở thế kỷ 19.
Gian truân con đường khoa học
Sau nhiều lần điện thoại, cuối cùng tôi đã gặp được chị tại Trung tâm Năng lượng mới và phát triển nông thôn trên đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận. Khác với những gì tôi tưởng tượng về một phụ nữ có học vị tiến sĩ, từng lăn lộn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chị đẹp và trẻ trung hơn nhiều so với tuổi của mình. Ước mơ biến năng lượng mặt trời thành điện đã thôi thúc chị nghiên cứu. Cũng chính ước mơ đó là một thách thức rất lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua được bởi sự thiếu thốn về kinh phí, phòng thí nghiệm nghèo nàn và sự thiếu hiểu biết về điện mặt trời của người dân. Nhưng "máu" nghề nghiệp và niềm say mê đã thôi thúc chị, thế là không ngại ngày đêm chị say mê nghiên cứu, từng bước đi đến thành công qua những dự án pin mặt trời được triển khai khắp các vùng nông thôn Việt
Chị tâm sự: "Tôi đã trăn trở rất nhiều trước nghịch cảnh sống trên đất nước nhiệt đới, chói chang ánh nắng mặt trời mà ở nông thôn vẫn còn hàng triệu hộ dân không có điện dùng, phải sống với ngọn đèn dầu leo lắt. Vì thế, tôi ôm ấp giấc mơ biến ánh nắng mặt trời thành nguồn điện để mang ánh sáng đến với người dân. Đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...".
Để có được điện mặt trời, điều đầu tiên chị nghĩ đến là phải xây dựng được một phòng thí nghiệm hiện đại và đào tạo một đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao. Chị đã cố gắng rất nhiều để xây dựng phòng thí nghiệm của mình thành phòng thí nghiệm cấp quốc gia, đủ năng lực để làm thí nghiệm trọng điểm về điện mặt trời duy nhất ở Việt
Nghiên cứu ra đã khó nhưng khi triển khai, biến những cái đã nghiên cứu thành thực tế lại khó hơn rất nhiều bởi kinh phí ít, đường sá đi lại cách trở, điều kiện khí hậu không phù hợp...
Nhưng sau những chuyến đi khảo sát, cuộc sống lam lũ, nghèo nàn lạc hậu vì thiếu điện, thiếu thông tin của những người dân đã thôi thúc chị. Chị kể: "Lần đi lắp đặt tại xã Trà Mai, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, đây là nơi xa nhất nhì của huyện, không có đường ô tô, nên từ huyện chúng tôi đi bộ 3 ngày 3 đêm mới đến xã. Một bao xi măng phải chia 5, 6 phần, mỗi người vác một ít; lương khô, quần áo lúc đầu còn mang được, sau đó mệt quá đành đem cho rồi đi đến đâu xin ăn đến đấy, quần áo thì "nhất bộ". Chuyến đi trọn vẹn một tuần trong khi đó thời gian lắp đặt chỉ có một ngày". Hoặc lần ra đảo Trường Sa, lúc đó chưa có thuyền khách, phải đi bằng thuyền chở hàng. 17 tiếng đồng hồ trên biển khiến chị tưởng chừng không thể gượng dậy được. Thế nhưng, khi nhìn thấy cuộc sống gian khổ của các chiến sĩ ở đây, chị lại quên hết cơn say sóng vừa trải qua, nhất là khi đến thăm các đảo nhỏ.
Lần khác, đến Quế Phong, một huyện vùng núi khó khăn nhất của Nghệ An. Ô tô qua núi nhưng đường trên núi chưa có nên phải theo đường mòn, xe cứ lên một chút lại bị tuột xuống. Lần cuối, xe bị tuột luôn và... lật úp. Cả đoàn nhảy vội khỏi xe. Hậu quả là dù có chêm mút, hộp pin mặt trời vẫn bị bẹp dí...
Riêng tại tỉnh Bình Phước, con số 3.600 hộ dân của 5 huyện (Bù Đốp, Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng và Lộc Ninh) là nhóm ưu tiên được hưởng dự án Delta Prores. Người dân được lựa chọn thắp sáng, sử dụng radio, ti vi màu, đầu máy, quạt, sạc bình ắc quy. Nguồn năng lượng mới đã tác động đến kinh tế, văn hoá xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Từ đó các sản phẩm điện mặt trời đã được lần lượt triển khai rộng khắp ở các làng mặt trời: Thiêng Liềng, Bình Chánh, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Nghệ An... Các trạm điện mặt trời cũng đã vươn ra tới Trường Sa, Phú Quốc.
Mái nhà mặt trời, tại sao không?
Chị Tố tâm sự: "Hiện nay, trước tình trạng thiếu hụt điện năng, Tổng công ty Điện lực đã kêu gọi 64 tỉnh thành thực hiện tiết kiệm điện. Tôi đang ấp ủ dự án "Mái nhà mặt trời". Mái nhà mặt trời là hệ thống quang điện nối lưới, là một máy phát quang điện được lắp đặt tại nhà người sử dụng, được nối với lưới điện thông qua bộ phận ghép nối điện. Mái nhà mặt trời gồm các môđun pin mặt trời là thành phần tạo ra dòng điện một chiều. Dòng điện một chiều này được biến thành dòng điện xoay chiều nhờ một hay nhiều bộ biến điện. Dòng điện xoay chiều phải có chất lượng và độ an toàn như điện lưới. Giàn pin mặt trời thường lắp đặt trên mái nhà hoặc mặt tiền của ngôi nhà nơi có diện tích đủ để lắp đặt. Ví dụ 1kW pin mặt trời cần 10m2 diện tích mái nhà.
Mái nhà mặt trời sẽ được lắp đặt trong tương lai gần ở các tỉnh và thành phố lớn đồng hành với lưới điện quốc gia. Và chị Tố lại chuẩn bị hành trang lên đường mang điện mặt trời đến cho bà con những vùng sâu, vùng xa.