TS Khải dẫn chứng, nếu một công ty sản xuất quy mô lớn mà 3 ngày cắt điện một lần sẽ gây ra một sự lãng phí rất lớn. Với mỗi một dây chuyền sản xuất, việc khởi động và làm nóng một lò nung công suất cao sẽ “ngốn” một lượng điện năng khổng lồ. Nhưng bù lại, lò nung đó sẽ hoạt động được trong một thời gian dài. Nếu 3 ngày sau khi khởi động lò mà bị cắt điện, toàn bộ quy trình sản xuất lập tức bị đình trệ. Sự thiệt hại về kinh tế đối với công ty đó là không thể tính được. Đó là chưa kể một lượng điện năng rất lớn nữa bị tiêu thụ khi mà lò nung đó phải khởi động trở lại nhiều lần trong thời gian ngắn tiếp theo. “Đó thực chất là sự lãng phí. Để tiết kiệm điện, ta hoàn toàn có thể lắp những hệ thống tiết kiệm điện năng cho những động cơ chạy máy công suất cao. Thay vì cắt điện nên nghĩ tới việc giảm lượng điện tiêu thụ xuống.” – Tiến sĩ Khải nhấn mạnh.
Điện phục vụ chiếu sáng trên cả nước chỉ chiếm 20% trong toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, con số này chỉ còn là 3% - tức là một lượng điện rất nhỏ được tiêu thụ. Theo Ts. Nguyễn Văn Tiến – Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học Việt Nam), thì việc cắt điện chiếu sáng công cộng cũng là việc làm không cần thiết. Ts Tiến đặt vấn đề ngược lại: “Tại sao không đưa vào sử dụng những thiết bị tiêu thụ điện năng ít mà công suất chiếu sáng lại cao?. Điều này đã được các nước tiên tiến khác trên thế giới áp dụng thực hiện từ những thập niên 80-90. Ví dụ ta dùng 2 bóng đèn có công suất 20W, chia ra lắp tại 2 điểm khác nhau thay cho việc sử dụng một bóng đèn có công suất đến 100W”.
Một thực tế là việc nghiên cứu chế tạo những thiết bị tiết kiệm điện năng, nghiên cứu các công nghệ sản xuất điện mới, tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế… là những hành động cụ thể được các nhà khoa học tiến hành từ hàng chục năm nay. Có rất nhiều những thiết bị tiết kiệm điện được nghiên cứu và chế tạo thành công, như các loại bóng đèn compac, bóng đèn huỳnh quang T8 Triphotpho (từ 32W đến 100W), T5 (14W-28W),… các loại điều hòa biến tần, các hệ thống tiết kiệm điện dùng cho các loại động cơ chạy máy công nghiệp,… Nhưng thực tế, những sản phẩm tiết kiệm này đi vào đời sống người dân còn rất hạn chế.
Cũng theo TS Khải, nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu nằm ở nhận thức của người sử dụng điện. Do nhiều lí do, nên những thiết bị tiết kiệm điện như thế thường có giá cao hơn từ 1 đến 1,5 lần các loại thiết bị cũ. “Một bóng đèn compac T8 triphotpho trên thị trường có giá là 15.000 đồng, so với loại cũ (T10) chỉ khoảng 9.000 đồng. Người dân thấy đắt hơn nên không dùng vì chưa nhìn thấy cái lợi của nó. Bóng T5 lượng điện tiêu thụ giảm 10% và độ chiếu sáng tăng tới 20% so với bóng cũ cùng loại. Như thế, về lâu dài, người tiêu dùng sẽ được lợi tới 30%. Lại góp phần tiết kiệm điện cho Nhà nước”.
Trong việc ứng dụng những công nghệ sản xuất điện mới, TS Khải cũng rất bất bình trước việc ngành điện không chịu đầu tư cho những dự án cụ thể. “Ở nước ta hiện nay, có thể tận dụng được rất nhiều chất thải để sản xuất ra điện năng. Ví dụ như bã mía. Một tấn bã mía có thể sản xuất ra tới 30MgW điện năng, tức là đảm bảo lượng điện tiêu thụ cho 5 thành phố lớn. Nhưng không ai chịu đầu tư cho việc này cả. Ngành điện không có những hành động khuyến khích, các công ty cũng không thực sự bắt tay vào thực hiện. Còn các nhà khoa học chỉ biết đứng ngoài nhìn điều lãng phí đó trong sự bất lực.”./.
(Nguồn: VOV)