[In trang]
Bật mí về năng lượng gió
Thứ tư, 26/11/2008 - 08:33
Bạn biết gì về năng lượng gió? 20% năng lượng của Đan Mạch làm từ gió. Đức có nhiều tua-bin gió nhất thế giới. Trung Quốc nâng công suất năng lượng gió gần gấp đôi chỉ trong một năm hay chỉ cần khoảng 300.000 tua-bin gió lớn đã có thể đáp ứng nhu cầu điện năng của toàn nước Mỹ…

Năng lượng gió rất rẻ

Gió không có chủ, nên chi phí sử dụng năng lượng gió sẽ rẻ hơn nhiều so với các công nghệ muốn hoạt động phải có nhiên liệu, như than đá hay khí tự nhiên. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu cho năng lượng gió lại cao. Nếu tính về giá trị trước mắt, việc trang bị số lượng lớn tua-bin gió phải chi phí tới vài triệu USD/megawatt, có thể so sánh với những nhà máy nhiệt điện mới. Hơn nữa, gió không thổi thường xuyên. Trong thực tế, những tua-bin gió thường chỉ sinh điện khoảng 30% thời gian, vì vậy nó mất nhiều thời gian hơn trong việc thu hồi vốn xây dựng cơ bản.

 

Theo ước tính mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), cùng với sự khích lệ của chính phủ và các chi phí bảo dưỡng tua-bin gió vốn có tuổi thọ tới 20 năm, xem ra giá thành năng lượng gió hiện nay vô cùng rẻ - khoảng 4 cent/KWh. Thậm chí, ông Andrew Karsner, Thứ trưởng phụ trách Năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ, cho rằng với nguồn “nguyên liệu vô tận” của thiên nhiên, tương lai gần, người ta có thể sản xuất điện từ gió với mức chi phí không quá nửa cent cho mỗi kWh!

 

Mỹ sản xuất nhiều nhất

20% năng lượng của Đan Mạch là từ gió. Đức có nhiều tua-bin gió hơn nhất. Trung Quốc nâng công suất sản xuất năng lượng gió gần gấp đôi chỉ trong một năm. Bạn có thể nghĩ rằng nước Mỹ chậm chân? Không! Mỹ là quốc gia sản xuất năng lượng gió nhiều nhất thế giới, bởi ở đây, gió thổi mạnh hơn ở Đức.

 

Dự án trang trại gió lớn nhất thế giới cũng được ông vua dầu lửa T. Boone Pickens đưa vào thực hiện tại Pampa, bang Texas. Đây là một phần trong cái được gọi là Kế hoạch Pickens, đầu tư 1.000 tỷ USD vào xây dựng các tua-bin gió dọc “hành lang gió”, từ bang Dakotas xuống tới Texas. Mỹ cũng đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm các nhà máy phong điện mới, trong số này có trang trại gió lớn ở vùng sa mạc Mojave (bang California), dự kiến hoàn thành vào năm 2010, sẽ sản xuất đủ điện sinh hoạt cho 56.000 hộ gia đình ở Los Angeles.

 

Theo ước đoán của Hiệp hội Năng lượng gió Mỹ (AWEA), tổng công suất của ngành phong điện Mỹ năm nay sẽ tăng lên 18.000 MW - đủ đáp ứng nhu cầu của 5 triệu hộ gia đình. Theo đó, trong báo cáo về “riển vọng phát triển ngành năng lượng gió  của DOE, tới năm 2030, nguồn năng lượng gió có thể tạo ra 20% sản lượng điện quốc gia, tương đương tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân của cả nước Mỹ hiện nay gộp lại.

 

Tua-bin gió rất ồn

“Nghe như gió thoảng”, song những tua-bin gió đang sử dụng lại rất ồn. Những tua-bin gây ồn nhất là những tua-bin gió được làm từ năm 1978 ở Boone (Bắc Carolina), chúng có thể tạo ra những sóng âm thanh tần số thấp làm cửa sổ rung và làm cho một số người sống gần đó bị đau ốm.

 

Kể từ sau đó, theo ông Pat Moriarty, chuyên gia Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia Mỹ, bang Colorado, phần lớn các rô-to mới đều quay chậm hơn và được lắp đặt phía trước các cột tháp, đã làm giảm tiếng ồn đáng kể. Những tua-bin mới ngày nay được thiết kế ngày càng ít ồn hơn.

 

Cối xay gió tại gia

Ở những vùng xa hệ thống điện, người ta hoàn toàn có thể làm chủ một cối xay gió tại nhà, miễn là ngôi nhà không gần các tòa nhà cao tầng hay nhiều cây cối. Thực tế, thị trường tua-bin gió nhỏ đã tăng 14% năm 2007. Một số trong những tua-bin này dành cho các tàu thuyền, nhưng số khác cung cấp cho các chủ nhà, những người sống xa hệ thống điện.

 

Tóm lại, Trái Đất sẽ đủ gió để sản xuất điện năng đáp ứng nhu cầu của nhân loại. Đó là nghiên cứu được công bố trong Energy Economics. Còn theo Viện Năng lượng gió của Đức, thị trường năng lượng gió toàn cầu sẽ đạt tới con số 107.000 MW/năm vào 2017, tăng 5 lần so với lượng điện hơn 20.000 MW được sản xuất hàng năm hiện nay.

Minh Hoàng(Theo LiveScience, Wind Power Monthly)