[In trang]
Rào cản đối với việc triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Thứ năm, 09/04/2009 - 08:20
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh VP TKNL - Bộ Công Thương đã có bài viết trên Bản tin TKNL số 5 (tháng 3/2009) phân tích về các rào cản đối với việc triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Ông nhận định: "Khả năng tiếp cận được với các nguồn tín dụng được cho là rào cản lớn nhất đối với Việt Nam khi triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng".

Nâng cao hiệu quả trong hoạt động sử dụng năng lượng ngày càng trở thành yêu cầu cấp bách trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Các nghiên cứu, khảo sát thị trường trong thời gian qua đều khẳng định lợi ích mang lại từ các chương trình/dự án tiết kiệm năng lượng cho bản thân doanh nghiệp và môi trường, xã hội là tương đối cao, hầu hết các dự án trình diễn đều có tỷ suất lợi nhuận tương đối cao, thời gian hoàn vốn ngắn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giảm thiếu tác động tới môi trường…

Nhưng tại sao rất nhiều dự án được đánh giá là có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn như đầu tư thực hiện các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, giấy, hoá chất… vẫn không được triển khai, hoặc triển khai rất chậm.

Ngoài các rào cản đã được các chuyên gia trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng nhận rạng như thiếu thông tin, thiếu nhân lực đã qua đào tạo, chi phí giao dịch và chi phí ban đầu cao, tính rủi ro đối với các công nghệ chuyển giao… thì khả năng tiếp cận được với các nguồn tín dụng được cho là rào cản lớn nhất đối với Việt Nam khi triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.

Trong những năm gần đây có một số cơ chế phân phối vốn đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng được sử dụng phổ biến như sau:

+ Các chương trình cấp vốn vay và các chương trình cho vay bảo đảm từng phần vận hành trong hệ thống các ngân hàng thương mại hay các quý đầu tư.

+ Sử dụng các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) thông qua hợp đồng giữa ESCO và các khách hàng, ESCO đảm bảo và đứng ra thu xếp tài chính.

+ Các Chương trình quản lý cầu (DSM), đơn vị phân phối năng lượng tổ chức các hoạt động tiết kiệm năng lượng, kể cả các hoạt động cấp vốn, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp xúc với người sử dụng năng lượng.

Tại Việt Nam, các cơ chế phân phối vốn nêu trên đều đã bắt đầu hoặc thí điểm áp dụng thông qua các Chương trình tiết kiệm năng lượng do Chính phủ chỉ đạo hoặc các dự án do các Tổ chức quốc tế tài trợ, một số mô hình trình diễn đã đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan điều phối và thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng hiện nay tại Việt Nam, việc tiếp cận với các chương trình cấp vốn vay còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn đề đầu tư thực hiện các giải pháp TKNL vẫn chưa có kênh thông tin, phương thức để làm thủ tục vay vốn triển khai dự án.

Khác với đầu tư vào lĩnh vực khác, các dự án tiết kiệm năng lượng thường có quy mô nhỏ, phân bố rải rác, ngay cả khi lợi nhuận đầu tư cho hạng mục tiết kiệm năng lượng đạt mức cao thì tổng lợi nhuận tài chính của những dự án quy mô nhỏ cũng không lớn và không hấp dẫn đối với các nhà quản lý, các thể chế tài chính. Ngoài ra,  nội dung kỹ thuật của các dự án tiết kiệm năng lượng rất đa dạng, giải pháp kỹ thuật áp dụng trong diện hẹp, việc sử dụng năng lượng không hiệu quả diễn ra trong các khu vực kinh tế khác nhau…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển, nhân rộng các dự án tiết kiêm năng lượng đã thực hiện thành công trong khuôn khổ các Chương trình đã triển khai trong thời gian qua, tránh tình trạng các dự án không được nhân rộng sau khi kết thúc tài trợ của các Chương trình như đã xảy ra hiện nay. Phương thức tiếp cận với các nguồn cung cấp vốn hiện nay như thế nào là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu cải thiện hiện trạng sử dụng năng lượng quan tâm.    

Mới đây, tại Hội thảo các Nhà tài trợ với sự tham gia của chuyên gia WB, ADB, JICA- Nhật Bản và đại diện một số Ngân hàng thương mại do Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương tổ chức, vấn đề xây dựng và vận hành các cơ chế cung cấp vốn đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đã được thảo luận, phân tích, nhiều bài học về  thành công và thất bại của các dự án TKNL triển khai tại Việt Nam và các nước trong khu vực đã được trình bày …; hầu hết các Chuyên gia đều thống nhất Việt Nam cần sớm hình thành một khung thể chế về cấp vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Mặc dù, có nhiều nguồn vốn khác nhau cho các dự án TKNL, nhưng nguồn vốn quan trọng và bền vững nhất vẫn là vốn vay từ hệ thống các ngân hàng thương mại hoặc các Quỹ với các cơ chế khuyến khích cụ thể về lãi suất ưu đãi, phương thức huy động…

Như vậy, việc thiết lập và tăng cường các cơ chế khuyến khích tài chính để thúc đẩy các dự án tiết kiệm năng lượng là một nhu cầu cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2006-2015. Tuy nhiên, để hệ thống cung cấp vốn vận hành một cách hiệu quả, bền vững phải xây dựng và thiết kế được một cơ chế phù hợp có sự tham gia của các ngân hàng thương mại tại địa phương, nhấn mạnh mối quan hệ tương tác giữa các đơn vị tài chính, chuyên gia kỹ thuật với khách hàng.

Xây dựng và huy động vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cơ quan liên quan, không thể hoàn thiện một sớm một chiều, thực chất là việc ban hành khung thể chế mới về tài chính để triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng mà hiện nay Việt Nam chưa có, hy vọng vấn đề này sẽ được các cơ quan liên quan quan tâm và được đề cập cụ thể trong nội dung dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo./.

 

Nguyễn Đình Hiệp

 Chánh Văn phòng TKNL- Bộ Công Thương