Hiện có khoảng 50 nước trên thế giới khai thác và sử dụng nhiên liệu sinh học ở các mức độ khác nhau. Đó là những nhiên liệu được sản xuất từ dầu thực vật sạch, ethanol (chiết xuất từ ngô, mía đường, sắn), diesel sinh học...
Năm 2006 toàn thế giới đã sản xuất khoảng 50 tỷ lít ethanol (75% dùng làm nhiên liệu) so với năm 2003 là 38 tỷ lít, dự kiến năm 2012 là khoảng 80 tỷ lít. Năm 2005 sản xuất 4 triệu tấn diesel sinh học và năm 2010 sẽ tăng lên khoảng 20 triệu tấn diesel sinh học (B100), đến 2010 tăng lên 20 triệu tấn.
Tiềm năng dầu khí của nước ta không phải là lớn, từ chỗ xuất khẩu năng lượng (dầu, than), trong vòng 15 năm tới sẽ phải nhập năng lượng (dự báo tỷ lệ nhập khẩu khoảng 11-20% vào năm 2020, tăng lên 50-58% vào năm 2050). Xăng dầu dùng cho giao thông vận tải thường chiếm đến 30% nhu cầu của cả nước (hiện tại phải nhập hoàn toàn).
Khi nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Dung Quất được đưa vào hoạt động (năm 2008) cũng mới chỉ cung cấp được khoảng 5,3 triệu tấn xăng, diesel dùng cho giao thông vận tải trong tổng nhu cầu 15,5 - 16 triệu tấn (34%).
Đến trước năm 2020, khi cả 3 nhà máy lọc dầu với tổng công suât 20 - 22 triệu tấn dầu thô được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp 15-16 triệu tấn xăng, diesel trong tổng nhu cầu khoảng 27 - 28 triệu tấn (56%).
Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhiên liệu sinh học. Bộ Công nghiệp đang triển khai xây dựng "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học" đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, với mục tiêu sản xuất xăng E10 (loại xăng pha cồn với hàm lượng cồn tối đa là 10% đáp ứng hoàn toàn mọi hoạt động bình thường của ôtô, xe máy) và dầu sinh học nhằm thay thế một phần nhiên liệu truyền thống hiện nay.
Theo Đề án, trong giai đoạn 2006- 2010, Việt Nam sẽ tiếp cận công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, xây dựng mô hình thí điểm phân phối nhiên liệu sinh học tại một số tỉnh, thành phố, quy hoạch vùng trồng cây nhiên liệu cho năng suất cao phục vụ sản xuât nhiên liệu sinh học, đào tạo đội ngũ chuyên sâu về kĩ thuật đáp ứng được trình độ trong quá trình phát triển nhiên liệu sinh học.
Giai đoạn 2011 - 2015, sẽ phát triển mạnh sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất và mạng lưới phân phối phục vụ giao thông và các sản xuất công nghiệp khác, đảm bảo cung cấp đủ và đa dạng hoá nguồn nguyên liệu cho quá trình chuyển hoá sinh khối thành nhiên liệu sinh học.
Trong hơn một thập kỷ qua, giới khoa học Việt Nam và các ngành giao thông vận tải, công nghiệp, Viện Khoa học và Công nghệ cũng đã quan tâm tới việc nghiên cứu nhiên liệu sinh học.
Tuy về mặt kĩ thuật không có rào cản lớn, nhưng để phát triển và sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học ở quy mô công nghiệp cần phải có những chủ trương, chính sách và các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công nghiệp) cho biết: "Cần có thể chế khung chính sách đầu tư năng lượng, nhất là năng lượng sạch. Để có cơ sở pháp lý đầu tư cho năng lượng lâu dài, Chính phủ cần sớm phê duyệt "Chính sách an ninh năng lượng quốc gia", "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học" và lộ trình thực hiện. Quốc hội cần sớm ban hành Luật năng lượng, trong đó đề cập đến năng lượng tái tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm xây dựng "Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia về nhiên liệu sinh học" để trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, sớm ban hành tiêu chuẩn chât lượng sản phẩm để các doanh nghiệp ổn định sản xuât, phân phối sản phẩm và giúp các cơ quan quản lý giám sát chất lượng sản phẩm trong sản xuất và lưu thông trên thị trường.
Ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học (như ưu đãi tín dụng, giảm thuế, quảng bá...). Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ vay vốn, trợ giá cho nông dân cung cấp nguyên liệu.
Quy hoạch vùng nguyên liệu, cây nguyên liệu chủ lực để đầu tư, xây dựng quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới để nâng cao công suất sản xuất, hạ giá thành nhiên liệu sinh học.
Tiếp tục, xây dựng mô hình đầu tư thấp, phân phối nhiên liệu sinh học cho đô thị đông dân cư.
Xây dựng mô hình trồng trọt, chế biến, pha chế diesel sinh học cung cấp nhiên liệu cho máy móc nông nghiệp ở địa phương.
Như vậy, Chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học có thành công hay không phụ thuộc chủ yếu vào chính sách, cơ chế, quyết tâm của Chính phủ và nhận thức của cộng đồng.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)