[In trang]
Tọa đàm về phát triển các dự án gió ở Việt Nam
Thứ tư, 12/07/2006 - 09:47
(BCN)- Cuộc tọa đàm do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công nghiệp) phối hợp với Trung tâm phát triển các tài nguyên môi trường năng lượng (CEERD- Thái Lan) tổ chức vào hôm nay, tại Hà Nội nhằm đưa ra những phác thảo cũng như thu nhận ý kiến phản hồi về tính khả thi của phương hướng phát triển các dự án gió ở Việt Nam.

Theo thống kê, sản lượng điện năng sản xuất từ sức gió hiện nay trên thế giới tăng liên tục. Năm 1994 là 3.527,5MW; năm 1997 là 7.500 MW; và hiện khoảng trên 10.000 MW.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công nghiệp) cho biết: Hiện, Bộ Công nghiệp đã cho soạn thảo chính sách phát triển năng lượng, trong đó có chính sách về phát triển nguồn năng lượng tái tạo để trình Chính phủ. Dự kiến, đến năm 2010 tỷ lệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 3% tổng công suất điện năng và  nâng thành 6% vào năm 2030.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, mặc dù không có nhiều tiềm năng gió như các nước Châu Âu nhưng so với khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tốt nhất. Các nghiên cứu  cũng cho thấy, năng lượng gió là mô hình hiệu quả mà Việt Nam có thể áp dụng nhằm giảm bớt sức ép về nhu cầu năng lượng, đặc biệt trong giai đoạn áp lực về năng lượng cạn kiệt như hiện nay. Theo tính toán, đến năm 2030, năng lượng gió có thể cung cấp cho Việt Nam khoảng 400MW.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào 2 nội dung chính: những vấn đề liên quan đến phương hướng phát triển điện gió ở Việt Nam và xác định nhu cầu đào tạo cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng, Việt Nam có nhiều lợi thế và khả năng ứng dụng phong điện. Trong khi đó tiềm năng của nguồn năng lượng này lại chưa được khai thác. Tuy nhiên, vấn đề mà Việt Nam cần tập trung đầu tư đó là tiếp tục đào tạo, mở rộng đội ngũ cán bộ thông qua các dự án trong nước và quốc tế.

Một số công trình về điện gió

  • Cột gió ở đảo Bạch Long Vĩ với công suất 850KW

  • Trung tâm năng lượng tái tạo và thiết bị nhiệt (RECTERE) thuộc ĐH Bách Khoa TPHCM đã lắp đặt trên 800 cột đo gió ở hơn 40 tỉnh thành của cả nước.

  • Dự án xây dựng cột gió với tổng công suất 15MW tại khu bờ biển bán đảo Phương Mai, TP Quy Nhơn và một phần huyện Phù Cát, Bình Định

  • Nghiên cứu khả thi của Viện Năng lượng về xây dựng các trang trại gió quy mô lớn (trong đó có trang trại 20MW ở Khánh Hòa

  • EVN dự định tài trợ để xây dựng một trang trại điện gió công suất 20MW ở Khánh Hòa

 

Tin, ảnh: Mai Thủy